Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 14 triệu hộ nông dân đối mặt với rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, 14 triệu hộ nông dân luôn đối mặt với rủi ro và cần phải tổ chức lại sản xuất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 14 triệu hộ nông dân đối mặt với rủi ro ảnh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh Như Ý

Nông dân khổ vì phân bón giả

Phiên chất vấn đầu tiên với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan được diễn ra vào chiều 7/6. Phát biểu đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đại biểu Quốc hội, cử tri chờ đợi phần trả lời chất vấn thẳng thắn từ Bộ trưởng.

Trước khi bước vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn sự ủng hộ, chia sẻ dành cho ngành trong thời gian qua, đồng thời cho biết sẽ lắng nghe và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nêu câu hỏi chất vấn đầu tiên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) quan tâm đến vấn đề giá phân bón, thức ăn chăn nuôi cao, làm người dân khó khăn, “lấy công làm lãi”. Đây là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất?

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) nêu những băn khoăn lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu ở phía Bắc thời gian qua, làm tăng chi phí. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải có giải pháp gì để nâng cao giá trị nông sản, tạo bền vững cho xuất khẩu?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 14 triệu hộ nông dân đối mặt với rủi ro ảnh 2

Ảnh Như Ý

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn, tình trạng phân bón giả thời gian qua, khiến người “nông dân đã nghèo còn đeo thêm khổ”. Bộ trưởng có giải pháp nào để xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả? Giải pháp gì để nông sản Việt Nam được khẳng định trong thời gian tới?

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) cũng quan tâm tới tình trạng “được mùa mất giá, ùn ứ nông sản chưa có hồi kết, giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao… Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp căn cơ cho vấn đề nêu trên?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) quan tâm chất vấn tình trạng giá phân bón cao, giá nông sản lại không tiêu thụ được. Bà ví dụ thanh long có thời điểm xuống rất thấp không tiêu thụ được, nông dân sản xuất không có lãi, phải phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác. Với tư cách là “tổng tư lệnh ngành”, Bộ trưởng có giải pháp nào cho vấn đề này?

Phải tổ chức lại sản xuất

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với bà con nông dân và doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 và vấn đề ùn ứ nông sản, giá vật tư, phân bón cao, đầu vào của nông nghiệp tăng cao.

Về giải pháp, theo ông, ngay khi có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ùn ứ nông sản, Bộ đã phối hợp với các bộ vào cuộc, làm sao ít thiệt hại nhất có thể.

“Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Làm sao phải nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp”, ông Hoan nói và cho biết, Bộ NN&PTNT đã đã tổ chức nhiều cuộc họp với hiệp hội, ngành hàng. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo ngành quản lý thị trường khởi tố điều tra nhiều vụ hàng gian, hàng giả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 14 triệu hộ nông dân đối mặt với rủi ro ảnh 3

Ảnh Như Ý

Liên quan đến thị trường, ùn ứ nông sản, theo Bộ trưởng, ngoài yếu tố dịch bệnh COVID-19, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn, có thực trạng nhiều năm đã quen rằng đây là thị trường dễ tính. Khi họ yêu cầu cao hơn, chúng ta lại chậm thay đổi, chậm thông tin cho người dân biết. Bộ trưởng thẳng thắn ở đây “có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT”.

Theo Bộ trưởng, 14 triệu hộ nông dân luôn phải đổi mặt với những rủi ro, chúng ta tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để chuyển dần sang chính ngạch.

“Để một ngày nào đó hàng hóa của chúng ta chuẩn hóa, đưa sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Hằng năm có hàng ngàn thông tin về thay đổi biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó chúng ta không cưỡng lại được mà phải đáp ứng, thích nghi”, ông Hoan nhấn mạnh.

Về vấn đề được mùa mất giá, theo Bộ trưởng đây là quy luật kinh tế và chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, chính quy lại ngành hàng, phân bổ thị trường... “Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ giao và sớm cùng các cơ quan làm việc này”, ông nói.

MỚI - NÓNG