Bỏ chuyên THCS, vì sao?: Bài 1: Có phận mà không có danh

Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Ảnh: PV.
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Ảnh: PV.
TP - Trong các văn bản pháp quy, không có trường THCS chuyên. Nhưng trên thực tế, bên cạnh hệ thống các trường THCS đào tạo đại trà vẫn tồn tại một số các trường THCS tạo nguồn cho các trường THPT chuyên. Nhiều người ví tình trạng trên của các trường “chuyên” cấp THCS này là “có phận mà không có danh”.

Các sở đang phải “lách luật”?

Năm nào đến mùa tuyển sinh, phụ huynh lại đôn đáo mong có một suất vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hoặc trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM. Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT không công nhận hệ THCS của hai trường này là chuyên nhưng xã hội và phụ huynh nghiễm nhiên mặc định đó là trường chuyên, tạo nguồn cho hệ chuyên cấp THPT. Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII, đã khẳng định rõ là không có trường chuyên lớp chọn ở trường THCS để đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, trong khi các trường THCS công lập khác của Hà Nội, TPHCM đều tuyển sinh theo tuyến thì riêng hai trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trường THPT Trần Đại Nghĩa hệ THCS được tuyển sinh tràn tuyến toàn thành phố. Việc tuyển sinh này không khác gì với hệ chuyên THPT. Khi được hỏi, đại diện phía hai Sở GD&ĐT TPHCM và Hà Nội đều khẳng định, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là trường liên cấp, trường chuyên và không chuyên. Tuy nhiên trước câu hỏi của phóng viên nếu là hệ THCS không chuyên tại sao lại không tuyển sinh theo tuyến và tại sao lại được quyền chọn học sinh trong khi  cấp THCS là cấp phổ cập giáo dục, hai Sở GD&ĐT cho rằng đây là nơi tạo nguồn cho trường THPT chuyên của thành phố. 

Ở các tỉnh thành phố khác, tuy không có hệ THCS trong trường THPT chuyên của tỉnh nhưng ở cấp thành phố, cấp huyện thậm chí cấp tỉnh cũng đều có một trường THCS được “quyền” lựa chọn đầu vào tuyển sinh và tuyển sinh tràn tuyến. Những trường này được gắn mác trường chất lượng cao.

Năm học 2017-2018, năm đầu tuyển sinh, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) dự kiến tuyển khoảng 550 chỉ tiêu. Với khối 6, trường xét tuyển 4 lớp, 120 học sinh. Đối tượng là học sinh thuộc các trường tiểu học toàn tỉnh. Đối với học sinh trên địa bàn TP, xét tuyển theo thứ tự ưu tiên: Học sinh đoạt giải Ba cấp TP trở lên trong cuộc thi giao lưu các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh), lấy theo thứ tự cấp quốc gia, tỉnh, TP và giải từ cao xuống thấp; tiếp theo là học sinh đang học tại các câu lạc bộ lớp 5, bậc tiểu học. Riêng học sinh ở các huyện phải đoạt giải Nhì cấp tỉnh trở lên trong cuộc thi giao lưu các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) năm học 2016-2017. Ở các khối lớp 7, 8, 9 tuyển thẳng 332 học sinh tại lớp chất lượng cao (đang học tại các trường THCS Ngô Sĩ Liên, Trần Phú, Lê Lợi). Tại các huyện của Bắc Giang đều có những lớp mũi nhọn ở các trường điểm được chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi của địa phương. Huyện Yên Dũng có Trường THCS thị trấn Neo; Việt Yên có Trường THCS Thân Nhân Trung; Lạng Giang có Trường THCS thị trấn Vôi… Ở các trường này, ngoài lớp học đại trà còn có các lớp mũi nhọn chọn học sinh xuất sắc trong toàn huyện. Những năm học trước, có nhiều cuộc thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương lựa chọn học sinh đạt kết quả cao của cả huyện vao đây. 

Xóa hay điều chỉnh?

Một chuyên gia từng làm việc tại Phòng Khảo thí thi và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, dù Bộ GD&ĐT có công nhận hay không công nhận thì trong tâm thức của người dân Hà Nội, trường Hà Nội - Amsterdam là trường đào tạo học sinh chuyên từ lớp 6 đến lớp 12. “Về hình thức, hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không phải đào tạo học sinh chuyên, là đào tạo toàn diện. Nhưng về bản chất, vẫn là nơi đào tạo nguồn cho các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội, trong đó có chuyên THPT Hà Nội - Amsterdam” - vị chuyên gia này khẳng định. 

Đồng quan điểm này, nguyên hiệu trưởng một trường THCS của Hà Nội cho rằng nếu không có chuyên từ cấp THCS, thì khó có được nguồn học sinh có tố chất tốt ở cấp THPT. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. “Những giáo sư tên tuổi của Việt Nam đang sống và làm việc tại các nước trên thế giới họ đều từng học chuyên từ cấp THCS. Ngày đó, có thể không phải là trường chuyên nhưng là lớp chuyên trong trường” - vị nguyên hiệu trưởng khẳng định.

Có con đang học tại lớp 9 tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chị H.T.T cho biết con chị vào trường khi chưa có lệnh cấm thi tuyển lớp 6, lớp 1 của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, con chị thi hai môn Toán, Tiếng Việt. Chị cũng như nhiều phụ huynh đều mặc định hệ THCS của trường cũng chuyên, mong con thi đỗ vào trường để có cơ hội tiếp tục thi đỗ chuyên cấp 3. 

Trong khi đó, ông Vũ Đức Thọ, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong Hà Nội cho rằng không nên có trường chuyên từ cấp 2. Vì giáo dục hiện nay hướng đến giáo dục toàn diện. “Trước đây, chúng ta có hệ thống trường phổ thông năng khiếu nhưng dư luận kêu học sinh học lệch nên xóa bỏ. Giờ nếu quay lại mô hình THCS chuyên tôi nghĩ sẽ dễ “gãy” và dư luận sẽ lại phản ứng. Tất nhiên, các trường THPT chuyên cần phải có nguồn từ cấp học dưới. Tuy nhiên, hình thức đào tạo nguồn này phải như thế nào cho hợp lý là vấn đề cần phải bàn” - ông Thọ nói.

MỚI - NÓNG