Gần 4.000 học sinh ở TPHCM vừa kết thúc kỳ khảo sát năng lực để tìm một suất vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Lối vào trường chuyên vẫn là những áp lực hết sức nặng nề đối với con trẻ, nhất là kỳ vọng lẫn ảo tưởng từ phụ huynh.
Buổi sáng 30/6, kỳ khảo sát năng lực bằng tiếng Anh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra tại 5 hội đồng thi. Phụ huynh đi thi còn đông hơn cả thí sinh, không chỉ một người, nhiều gia đình cả bố mẹ, ông bà cùng “tháp tùng” con trẻ đi thi.
Bên ngoài trường thi là một bầu không khí “nóng” hơn cả trong cả phòng thi với đủ tâm trạng của phụ huynh với ước mong con vào được ngôi trường chuyên danh tiếng. Với chỉ tiêu chỉ hơn 500, sẽ có hơn 3.300 em sẽ rớt khỏi kỳ khảo sát này, hơn ai hết phụ huynh hiểu được áp lực “chạy đua” khủng khiếp và chuyện đỗ vào trường cực kỳ khó.
Có lẽ vì thế suy nghĩ "thi để thử sức, không đỗ thì thôi" được nhiều phụ huynh chia sẻ. Nghe rất nhẹ nhàng, dễ thở. Vậy nhưng, tâm tư đó có lẽ chỉ để phụ huynh nói với mọi người, tìm cho mình chỗ “trấn an” với người ngoài trước cuộc đua khốc liệt của con. Còn những đứa trẻ, dường như chúng không nhận được sự bình tâm đó từ bố mẹ?
Phải chăng đây cũng chính là “gánh nặng” của các em khi bố mẹ mang niềm tin “con mình giỏi nhất nhì trường”, cùng với công sức ôn luyện bố mẹ góp vào. Việc đỗ vào trường Trần Đại Nghĩa không chỉ là dịp thể hiện mà còn là để không phụ công bố mẹ.
Thi thử sức cho vui hay kỳ vọng nặng nề thể hiện rõ ở lúc hết giờ thi, phụ huynh ùa ra, chen chúc để đón con. Gặp con, câu hỏi đầu tiên của nhiều người là như chất vấn trẻ: Con làm được bài không, đề thế nào, có người còn yêu cầu con nhỏ tự chấm được bao nhiêu điểm. Nhiều bé kêu đề khó, không làm được bài là phụ huynh không chịu tin.
Cô bé H.A, học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ chia sẻ, em rất mong mình vào đỗ vào trường... vì tất cả mọi người vào trong nhà đều mong như vậy. Hỏi sao em biết, A. cười kể từ lâu lắm rồi, bố mẹ, ông bà luôn nhắc đến việc A. thi vào trường Trần Đại Nghĩa, để học cùng trước với Hân con bác Dũng.
Trước ngày đi thi cả nhà cho H.A. nghỉ ôn một bữa để làm liên hoan. Ở đây mọi người đều thay nhau tặng quà, chúc mừng A. với lời động viên “Phải đỗ nghen con”.
Mệnh lệnh không cần đòn roi hay những lời quát tháo. Với danh hiệu “học sinh giỏi”, các em đang gánh những kỳ vọng rất xa xỉ của bố mẹ. Có em đi thi vào trường Trần Đại Nghĩa không chỉ vì mong mỏi của bố mẹ mà còn “gánh” kỳ vọng từ ông bà nội ngoại.
Các em là học sinh giỏi và gánh rất nhiều kỳ vọng vào được trường chuyên từ bố mẹ
Trường THPT Trần Đại Nghĩa có thể là trường duy nhất “sót” lại trong cả nước còn tổ chức khảo sát năng lực đầu vào, chẳng khác mấy với hình thức thi tuyển. Ngoài việc thi cử, TPHCM cũng chưa tìm ra cách nào khả quan hơn để trường chọn đầu vào phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình. Và năm nào vào mùa tuyển sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh, phụ huynh đừng gây ra những áp lực cho con. Các em những đứa trẻ 11 tuổi, việc học là một hành trình dài phía trước...
Kết quả thi nhiều năm trước vào trường đều ghi nhận có hàng ngàn thí sinh đạt điểm dưới trung bình, thậm chí điểm 1, điểm 2 nhan nhản... Các em không đỗ vào trường vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định. Nhưng chúng ta đã bao giờ tự hỏi các em vốn là “top” ở trường tiểu học, đầu tư ôn luyện nhiều năm trời thi vào trường chuyên... sẽ đối diện với kỳ vọng và ảo tưởng của bố mẹ như thế nào?
Đã từng có trường hợp, con trượt vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, có người mẹ lên Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu làm cho rõ trắng đen và thất vọng khi “ngành đang bỏ lỡ GS Ngô Bảo Châu thứ hai”.
Chỉ tiếc chị không biết hoặc quên mất rằng GS Ngô Bảo Châu cùng từng thi trượt vào lớp chuyên Toán khi đang học cấp 2.
Được biết, theo kế hoạch, kết quả khảo sát sẽ được công bố vào ngày 7/7 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.