Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, những ngày qua, trên các tuyến đường quanh khu công nghiệp ở Bình Dương, doanh nghiệp vẫn kiên trì đặt bàn ngoài đường, bố trí nhân sự để tuyển dụng. Mức lương được doanh nghiệp công khai trên bảng tuyển dụng rất cao từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng.
“Mặc dù kinh tế khó khăn hơn trước nhưng công ty vẫn tăng mức lương cao hơn nhằm thu hút lao động. Thế nhưng, sau một tháng tuyển dụng bằng các kênh, chúng tôi mới tiếp nhận chưa tới 50 lao động, trong khi nhu cầu tới 500 người”, đại diện Công ty TNHH Hoàng Diệu (Bình Dương) chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm, Giám đốc Công ty Sản xuất – Thương mại Bình Dương cho biết thêm, hai năm trở về trước, mức lương bình quân của người lao động ở công ty khoảng 4 đến 5 triệu đồng, nếu tính cả tăng ca khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm nay công ty tăng lương trung bình từ 6 đến 7 triệu đồng, cộng tiền tăng ca mỗi tháng công nhân nhận từ 10 đến 12 triệu đồng.
Doanh nghiệp đặt bàn tuyển dụng ngoài đường vẫn khó tìm người lao động |
Anh Nguyễn Văn Sang (quê Thanh Hóa) cho biết: “Tôi thấy bây giờ đi xin việc rất dễ. Tôi từ quê vào Bình Dương nhờ người quen xin việc, dù chưa đủ hồ sơ xin việc theo quy định nhưng vẫn được nhận làm. Công ty nói cứ vào làm và hoàn thiện hồ sơ sau. Doanh nghiệp đối xử với người lao động dễ chịu hơn trước rất nhiều, tôi cảm thấy được trân trọng”.
Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh cần nhiều lao động để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, lao động về quê, chưa quay trở lại làm việc. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Bình Dương đều có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng từ vài trăm, thậm chí cả ngàn lao động. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều như: Giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ, bất động sản.
Bao giờ kết thúc “cơn khát” lao động?
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, để thu hút được lao động từ các tỉnh, Bình Dương đã lập đoàn cán bộ làm việc với các tỉnh, thành phố, trong đó có chính sách chăm lo cho người lao động xa quê. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương có các kênh kết nối việc làm với các tỉnh, thành phố. Người lao động sẽ được đến tận quê đón vào doanh nghiệp làm việc và hỗ trợ về nơi ở.
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã bố trí khu đất để xây nhà ở cho công nhân, trường mầm non để phục vụ con em công nhân.
Số lượng người lao động chưa có nhà ở tại Bình Dương rất lớn |
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, các ban ngành, địa phương đã và đang dồn hết tâm sức để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, ổn định sản xuất. “Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó sẽ có hướng hỗ trợ cho người lao động cả cũ và mới. Khi chính sách này được thực hiện, rất có thể địa phương sẽ thu hút được lao động”, ông Tuyên nhận định.
Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Vũ Thiên Vương, tiền lương hàng tháng của người lao động có thể năm sau cao hơn năm trước nhưng mức chi tiêu của họ cũng luôn biến động. Người lao động phải chi trả khá nhiều khoản tiền cho các nhu cầu như thuê nhà ở, ăn uống, đi lại, nuôi con, chăm sóc y tế, lo chuyện hiếu hỷ, ngoài ra không ít người phải gửi tiền hàng tháng về quê hỗ trợ gia đình. Do đó, theo ông Vương việc đảm bảo các nhu cầu trước mắt, khó giữ chân người lao động lâu dài. Người lao động chỉ gắn bó khi có nơi an cư.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút trên 52.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và khoảng 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 45.000 lao động, thu nhập của người lao động bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Bình Dương có 2,58 triệu người với 1,2 triệu người dân trong độ tuổi lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm trên 53,2%. Lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 60%, lao động nữ chiếm 56%, công nhân lao động đã lập gia đình chiếm khoảng 60%.
Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong số khoảng 1 triệu lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương, có khoảng 480.000 người đã có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, mua nhà ở xã hội, ở cùng gia đình hoặc người thân di cư).
Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng khoảng gần 50.000 người. Số còn lại khoảng 470.000 người lao động đang phải thuê nhà để ở. Thực tế, khả năng mua được nhà đối với nhiều người lao động rất khó khăn tiền lương phải chi trả nhiều thứ, tiền tích lũy ít.