Cắt thưởng người lao động vì mắc Covid-19 bị xử phạt ra sao?

Khi số ca F0 tăng mạnh trên cả nước, một số công ty và đơn vị đã đưa ra hình thức xử phạt người lao động bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm Luật Lao động và có thể bị xử phạt.

Cuối tháng 12/2021, chị L.T.D. (Đại Kim, Hà Nội) luôn sống trong cảnh lo sợ nếu bị nhiễm Covid-19. Vì ngoài nỗi lo về bệnh tật, chị D. sẽ bị cơ quan cắt các khoản thưởng nếu không may nhiễm bệnh.

Theo chị D, thời điểm đó, công ty đưa ra quy định rất khó hiểu: nhân viên bị F0 sẽ bị trừ vào thưởng cả năm. Ngoài ra, phòng ban nào của công ty có nhiều người nhiễm Covid-19thì cả phòng sẽ bị hạ thi đua và trừ thưởng.

"Việc nhiễm bệnh không ai mong muốn, nhưng quy định đưa ra khiến nhân viên lúc nào cũng hoang mang lo sợ. Thậm chí, một nhân viên có chồng sắp cưới bị F0 nhưng không dám báo cho công ty mà vẫn tổ chức đám cưới", chị D. cho hay.

Hiện nay, diễn biến dịch đã có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, một số giáo viên tại trường THCS Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, tại cuộc họp hội đồng nhà trường chiều 26/2, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Văn Điển đã công bố về việc trừ thi đua đối với các trường hợp giáo viên là F0 nghỉ dạy và cả dạy trực tuyến.

Cắt thưởng người lao động vì mắc Covid-19 bị xử phạt ra sao? ảnh 1

Trường THCS Văn Điển trừ điểm thi đua của một số giáo viên do mắc Covid-19 không thể đến trường dạy học trực tiếp (Ảnh: Website nhà trường).

Theo nhiều giáo viên, cực chẳng đã mới mắc bệnh. Ai cũng hiểu trong thời gian này nhiều người trở thành F0, F1, thiếu giáo viên trầm trọng nên ai đủ sức khỏe đều cố gắng. Đảm bảo chất lượng năm học là nhiệm vụ của giáo viên nên có trở thành F0 phải nghỉ dạy, thì sau đó cũng phải có kế hoạch dạy bù. Tuy nhiên, việc này không được nhà trường chia sẻ lại dùng hình thức trừ điểm thi đua như vậy khiến giáo viên rất bức xúc.

Trao đổi với luật sư Trần Viết Hà, luật sư Thành viên công ty Luật Nam Sơn (Đoàn luật sư TPHCM) được biết, căn cứ Khoản 1 Điều 95 Luật Lao động quy định về việc trả lương: "Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc". Như vậy, theo quy định chung thì lương của người lao động là do sự thỏa giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Trong trường hợp phát sinh dịch bệnh Covid-19 thì người lao động có quyền thỏa thuận lại với người lao động về việc trả lương, mức lương. Nếu đạt được thỏa thuận giảm lương giữa người lao động và người sử dụng lao động thì mới được thực hiện giảm lương của người lao động.

Trường hợp không thỏa thuận mà tự ý giảm lương của người lao động thì căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt 5-50 triệu đồng, tùy theo số lượng người lao động bị trả lương không đúng thỏa thuận.

Dưới góc độ luật, luật sư Hà cho hay, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người tuyển dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Để tự bảo vệ mình, luật sư Thành viên công ty Luật Nam Sơn cho hay, người lao động khi bị xâm phạm đến quyền lợi của mình cần làm việc trực tiếp với công đoàn tại cơ sở (nếu có) để bảo vệ quyền lợi của mình. Trên cơ sở thỏa thuận lại với người sử dụng lao động hoặc người lao động làm việc trực tiếp với người sử dụng lao động liên quan về việc bị giảm lương sai quy định.

Nếu không thỏa thuận được, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi Thanh tra sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp vẫn không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa để yêu cầu công ty hoàn trả số lương bị trừ sai quy định.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG