“Chúng ta đừng chuyển từ cực tả sang cực hữu, vấn đề này dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì giãn cách xã hội, dù đạt tỷ lệ tiêm chủng cao”, Chủ tịch nước nói. Nhắc tới những ổ dịch mới xuất hiện ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ những ngày gần đây, Chủ tịch nước lưu ý, không được chủ quan. Nếu có ổ dịch thì phải kiên quyết, kịp thời, xử lý khoanh ổ dịch với mức độ giãn cách khác nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, việc chống dịch có nơi còn lúng túng, bất ngờ do chủng Delta diễn biến quá nhanh. “Báo cáo mới nhất về chủng Delta khiến cả thế giới bất ngờ chứ không chỉ Việt Nam, nó khác với chủng gốc. Tối qua, tôi trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xuất hiện ổ dịch ở bệnh viện rất nhanh. Sáng nay, chỉ đạo Bộ Y tế đưa người xuống nghiên cứu ngay”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy cho biết, bao giờ Hà Nội cũng tính phương án cao hơn, có thể “đóng trước và mở sau”. “Phương châm là bảo vệ bằng được Thủ đô”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trong quá trình làm cũng có lúng túng như quy định về giấy đi đường.
Nhắc đến việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu mầm bệnh. “Chúng ta cũng không thể đưa số nhiễm của TPHCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được, hạn chế các ca tử vong”, ông Long nói. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc xin. Hiện Việt Nam đã có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vắc xin với tổng số 191 triệu liều.
Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng- An ninh, vừa qua, ngân sách đã chi rất nhiều cho phòng, chống COVID-19, nhưng thực tế nguồn lực vẫn còn nhiều, chưa được khơi thông. Ví dụ nguồn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa qua làm chậm, nợ đọng thuế nhiều mà chưa thu hồi được... Chính phủ cần đánh giá kỹ các nguồn lực để huy động tối đa cho phục hồi kinh tế, chống dịch.
Dẫn vấn đề loạn giá bộ xét nghiệm, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng, việc Bộ Y tế khẳng định không quy định giá, địa phương tự thực hiện mua sắm là chưa thể hiện vai trò điều hành, định hướng. Bộ phải có giải pháp để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. “Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm”, ông An nói.
Không khí làm ăn tăng lên
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, những ngày qua, khi dần mở cửa trở lại, không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước rất tốt. Đặc biệt, TPHCM đã có chương trình tái thiết kinh tế, bước đầu, nhiều người lao động quay lại làm việc. “Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch. Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển”, Chủ tịch nước nói.
Về chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Qua các cuộc làm việc, các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm (2022 - 2023). Năm 2022 tập trung giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư. Năm 2023 đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistics, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Tổng các gói chính sách hỗ trợ đã vượt 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.