Cần gói giải pháp và cơ chế đặc thù khôi phục kinh tế 2 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
 Theo nhiều ĐBQH, cần gói hỗ trợ đủ lớn và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Theo nhiều ĐBQH, cần gói hỗ trợ đủ lớn và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19. ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, cần có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù.

Cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh trong 2 năm

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn, sao chúng ta không ban hành cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh toàn xã hội trong 2 năm phục hồi nền kinh tế?

Trên cơ sở đó, đại biểu đang là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đề nghị rút gọn thủ tục, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện tối đa trên nền tảng trực tuyến, và không ban hành bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh thêm gánh nặng về thủ tục và chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN).

“Nhất cử lưỡng tiện, việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế cũng là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo”, ông Lộc cho hay.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt phòng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã rơi thẳng đứng, từ mức tăng trưởng dương xuống âm 6,17% trong quý III. Hàng chục nghìn DN đã phải đóng cửa.

“Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các DN đang bị suy kiệt. Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới, các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng”, ông Cường bày tỏ.

Để làm được điều này, theo đại biểu, cần chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

“Nếu ngân sách dành ra khoảng 40 nghìn tỷ để cấp bù, chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán”, ông Cường nêu.

Gói hỗ trợ đủ lớn và kịp thời

Trước sự quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp khá mạnh, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% có thể đạt được, nhưng phải có sự quyết tâm thật lớn, từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, ông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp nêu trong Nghị quyết của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng…. “Các gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời để bắt kịp thời cơ phục hồi”, ông Thông nhấn mạnh.

ĐB Thông đề nghị, Chính phủ lập quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay và cần quy định điều kiện vay được nới lỏng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng; khẩn trương triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID -19.

Triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 3 vào cuối năm

Giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các tâm dịch ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã kiểm soát được ca nhiễm và ca tử vong, dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát, cả nước đang thích ứng an toàn. Bộ trưởng chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TPHCM và các địa phương khác trong thời gian qua.

Về vắc xin, theo Bộ trưởng Y tế, đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đang được triển khai rất thành công.

Tính đến hết ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin. Ông Long khẳng định, số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

“Tôi đánh giá đây là nghị quyết hết sức kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy sự chủ động và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID -19 và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay”, ông Thông nhìn nhận.

Báo cáo của Chính phủ có nêu dự kiến cả năm tổng số tiền các cấp ngành thực hiện miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản gia hạn là 115 nghìn tỷ, tỷ lệ các khoản miễn giảm là 3 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu, khoản này quá thấp, chưa tương xứng với đóng góp của doanh nghiệp, cho công tác phòng chống dịch. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ lớn hơn, xem đây là nguồn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp và giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

“Tôi nghĩ, nếu chúng ta bỏ 1 đồng cho doanh nghiệp có thể tạo thêm công ăn việc làm, doanh thu từ đó kích thích phục hồi kinh tế nhanh hơn. Quá trình đó, cần quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là những doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay và là nơi có nhiều lao động nhất”, ĐB Thông kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.