Thu hút FDI tăng:

Thúc đẩy kinh tế phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
 Doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp FDI) phục hồi sản xuất góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại các cảng ở Hải Phòng Ảnh: Hồng Phong
Doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp FDI) phục hồi sản xuất góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại các cảng ở Hải Phòng Ảnh: Hồng Phong
TP - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhiều dự án với số vốn lớn đầu tư mới hoặc tăng vốn hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi sau giãn cách và là tín hiệu tích cực, triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/10, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 23,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều khởi sắc. Mức tăng này có được là do 10 tháng qua, 3 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, bao gồm: Dự án Điện LNG Long An (3,1 tỷ USD); LG Display Hải Phòng, tăng vốn thêm (2,1 tỷ USD); Nhiệt điện Ô Môn II (1,3 tỷ USD)…

Bắc Ninh thêm dự án 1,6 tỷ USD

Những dự án từ hơn 1 tỷ USD ngày càng nhiều và đang mang lại luồng gió mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Điển hình nhất trong thu hút đầu tư là Bắc Ninh và Hải Phòng đã ghi dấu ấn lớn. Ngày 4/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang và ông JONGRIP JI, Chủ tịch Công ty Amkor ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu Công nghiệp (KCN) Yên Phong II-C. Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23ha. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây sẽ là nhà máy thông minh, hiện đại tại tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến, dự án khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Vì sao Bắc Ninh vẫn là địa chỉ đỏ trong thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn? Ông JONGRIP JI, Chủ tịch Công ty Amkor cho biết, qua tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh, ông rất ấn tượng bởi sự siêng năng, đam mê nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi và bản lĩnh, sự cần cù, linh hoạt của con người Bắc Ninh. Đặc biệt, sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng với cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào là nền tảng để công ty lựa chọn đầu tư tại tỉnh này. Công ty Amkor sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 của nhà máy ở Bắc Ninh để có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023.

Ông JONGRIP JI cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tạo nên thành công của ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh bằng việc xây dựng thành công nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh trong suốt giai đoạn đầu tư, để dự án phát triển ổn định, sản xuất lâu dài tại tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đánh giá cao Công ty Amkor đã tìm hiểu, nghiên cứu và hợp tác đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh. Theo bà Lan, với nhiều chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tỉnh Bắc Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi mong muốn với những đối tác khách hàng nổi tiếng, những sản phẩm được sản xuất tại Bắc Ninh sẽ được xuất hiện trên thị trường nhiều quốc gia trên thế giới”, bà Lan cho hay.

FDI trong lĩnh vực điện tử ở Hải Phòng lên ngôi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, năm 2020 và 2021 dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Trước bối cảnh đó, Hải Phòng “chủ động đi trước 1 bước”, vừa chống dịch vừa nỗ lực phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, tập trung phát triển kinh tế.

10 tháng đầu năm 2021, thành phố đã thu hút được 2,8 tỷ USD đầu tư từ nước ngoài, vượt 112% và hoàn thành sớm kế hoạch cả năm trước 4 tháng. Đầu tư trong nước cũng tăng rất mạnh, đạt gần 20.000 tỷ đồng (tăng gần 20 lần so với cùng kỳ 2020). Lũy kế đến nay, thành phố cảng có 603 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 26 tỷ USD. Riêng FDI có 422 dự án với tổng mức đầu tư gần 19 tỷ USD. Chỉ số vốn đầu tư FDI trên đơn vị diện tích đạt xấp xỉ 10 triệu USD/ha, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đặc biệt, lĩnh vực mũi nhọn điện tử được tập trung cao, chiếm hơn 80% tổng vốn FDI và hơn 53% tổng mức đầu tư tại thành phố trong 10 tháng qua. Điều này thể hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư tại thành phố cảng đi đúng định hướng đề ra.

Để thu hút FDI đạt kết quả tốt như vậy, ông Hải cho rằng, việc thích ứng với tình hình mới có vai trò rất quan trọng. Ông Hải chia sẻ, đơn vị đã linh hoạt, chuyển hướng xúc tiến đầu tư tại chỗ, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý. Tăng cường gặp gỡ các doanh nghiệp đã, đang đầu tư sản xuất kinh doanh để lắng nghe những góp ý, kiến nghị. Từ đó, đồng hành với doanh nghiệp báo cáo thành phố, Trung ương để tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là đối với những dự án, nhà đầu tư lớn.

Thúc đẩy kinh tế phục hồi ảnh 1

“Với số vốn bổ sung, LG Display sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 đến 10,1 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm, nộp ngân sách thêm 25 triệu USD và tạo thêm việc làm cho hơn 10.000 lao động”

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó BQL Khu kinh tế Hải Phòng

Điển hình nhất, trong năm 2021, BQL Khu kinh tế đã liên tiếp 2 lần xúc tiến, điều chỉnh giấy phép tăng thêm 2,1 tỷ USD vốn đầu tư dự án của Công ty TNHH LG Display (LG Display), nâng tổng vốn đầu tư tại dự án này lên 4,65 tỷ USD. LG Display trở thành doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Hải Phòng.

“BQL Khu kinh tế cùng với TP Hải Phòng đã nỗ lực làm việc trong 3 ngày với LG Display để hoàn tất xúc tiến, điều chỉnh giấy phép tăng vốn. Đây là dự án lớn, lĩnh vực mũi nhọn. Với số vốn bổ sung, LG Display sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 đến 10,1 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm, nộp ngân sách thêm 25 triệu USD và tạo thêm việc làm cho hơn 10.000 lao động”, ông Bùi Ngọc Hải nhấn mạnh.

“3 tháng cuối năm 2021, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tất cả các hoạt động để hoàn thành chỉ tiêu đạt cao nhất, tạo đà cho năm 2022 phát triển bứt phá. Mục tiêu năm tới, Hải Phòng sẽ thu hút FDI từ 2,5 đến 3 tỷ USD”, Phó BQL Khu kinh tế Hải Phòng nói đồng thời cho biết, thu hút FDI tăng trưởng ở Hải Phòng và một số tỉnh đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là cơ sở để phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

10 tháng đầu năm 2021, TP Hải Phòng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng khoảng 2,8 tỷ USD. Lũy kế, tổng vốn đầu tư FDI tại thành phố cảng đạt gần 19 tỷ USD. Các quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Hải Phòng như: Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản... Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN, đạt gần 14 tỷ USD (tăng 15%), nộp ngân sách tăng 20% so với cùng kỳ.

MỚI - NÓNG