Năm 2023, giá điện, xăng dầu có nhiều biến động kéo theo việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào khác, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giá cả liên tục nhảy múa, tạo áp lực cho người tiêu dùng, nhất là công nhân lao động ở thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hà cho biết, địa phương đã triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân, giá cả các mặt hàng cũng được ổn định, thấp hơn thị trường.
Để tạo thuận lợi cho người dân, theo ông Hà ngành chức năng phối hợp doanh nghiệp bố trí xe bán hàng lưu động giá bình ổn phục vụ trước, trong và sau Tết.
Các doanh nghiệp đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Hàng hóa được huy động với tổng trị giá gần 12.000 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh) để phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hàng bình ổn thị trường bảo đảm luôn thấp hơn từ 5 đến 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Bình Dương cũng tổ chức các phiên chợ 0 đồng để hỗ trợ người khó khăn. |
Nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết như thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau, củ, quả… đảm bảo đủ số lượng và an toàn.
Ngoài ra, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các chợ truyền thống 9 huyện, thị, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 236,2 tỷ đồng.
Ngành chức năng Bình Dương kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương Nguyễn Việt Dũng, nhằm phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngành chức năng triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh, xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm. Ngoài ra, đơn vị quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đội kiểm tra liên ngành để thực hiện các đợt kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.