Hơn 700 gian hàng với nhiều đặc sản như mật ong rừng, chè Shan Tuyết cổ thụ, trầm hương, sâm Ngọc Linh… được các quầy hàng trang trí đẹp mắt. Bên cạnh đó, nhiều món ăn “hot trend” (xu hướng) hiện nay như mì tôm thanh long được người dùng thử.
Mời khách dùng thử thịt trâu gác bếp, chị Võ Thị Nhung (Hà Giang) giới thiệu, đây là đặc sản mang phong cách ẩm thực của người dân tộc Thái. Thịt trâu được tẩm ướp từ nhiều gia vị như ớt, mắc khén nên có vị tê cay, ngọt đậm từ thịt tươi và có mùi khói bếp. Ngoài ra, quầy hàng của tỉnh Hà Giang còn có cam sành, cam vàng, củ sâm đất… đều được trồng tự nhiên, không chỉ tươi ngon mà giá cả rất mềm, chỉ 30.000 đồng/kg.
Đặc sản vùng miền hội tụ tại TPHCM. |
Thực phẩm thiết yếu như trứng, mì, gạo... khuyến mãi, hỗ trợ người tiêu dùng sắm Tết. |
Ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang - cho biết địa phương mong muốn đưa các đặc sản đến người tiêu dùng TPHCM nhanh chóng và thuận lợi nhất. Hiện, Hà Giang đang vào vụ cam vàng và cam sành, sản lượng khoảng 8.000 tấn đang tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. “Kỳ vọng qua hội nghị kết nối này, nhiều sản vật địa phương sẽ được người dân thành phố đón nhận” - ông Thế chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, năm 2023 là năm cao điểm thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, với hoạt động tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế - xã hội lên đến 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế. Trong đó, Chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, nhằm cụ thể hóa cam kết của TPHCM trong lĩnh vực thương mại, kinh tế.
“Đây cũng là hoạt động kết nối hai chiều, không chỉ hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp lễ, Tết” - ông Dũng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng (áo đỏ) tham quan sản phẩm tại các gian hàng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng bán lẻ hàng hóa; kết nối mua - bán trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững.
“Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường dịp lễ, Tết của TPHCM với các tỉnh, thành và hướng tới xuất khẩu” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng bày tỏ.