Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói gì về việc cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm?

TPO - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: Hệ quả của việc một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thành phố đùn đẩy, né tránh khi thực hiện công vụ là rất lớn. Nó không chỉ phủ nhận thành tựu, cố gắng của cả hệ thống chính trị mà còn là nguyên nhân chính gây nên sự giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp và chính quyền thành phố.

Ngày 28/9, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”.

Những con số trăn trở cho Đà Nẵng

Thành ủy Đà Nẵng cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 29, nhận thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC) được nâng cao; ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đảm bảo; trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị và địa phương được tăng cường; tác phong lề lối làm việc chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn. Kết quả thực hiện nội dung “5 xây, 3 chống” tỉ lệ đạt loại tốt được cải thiện dần qua các năm. Việc thực hiện các nhiệm vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao cho các sở ngành, quận huyện được theo dõi chặt chẽ, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ tăng, nhiệm vụ trễ hạn, quá hạn giảm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói gì về việc cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm? ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: 10 năm thực hiện Chỉ thị 29, bên cạnh những kết quả đạt được thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Cụ thể như, công tác cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Thái độ tinh thần làm việc của CB-CCVC có cải thiện nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ có biểu hiện thờ ơ, vô cảm. Đặc biệt tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng chức trách nhiệm vụ quyền hạn.

Ông Quảng cho biết, qua khảo sát, có xấp xỉ 50% người dân được hỏi cho rằng CB-CCVC thành phố hiện nay thiếu tinh thần cống hiến, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đổi mới. Có 40% ý kiến người dân cho rằng có cán bộ thực dụng, chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân, nói không đi đôi với làm, ham danh lợi, thành tích, tranh công, đổ lỗi. Và trên 30% ý kiến cán bộ "dĩ hòa vi quý", thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thiếu kiên định với mục tiêu, lý tưởng, tham nhũng tiêu cực, bè phái, lợi ích nhóm.

“Có thể kết quả khảo sát chưa đúng với bản chất, chưa chính xác nhưng các con số này cho chúng ta rất nhiều điều trăn trở và suy nghĩ”, ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, các ý kiến tại hội nghị cũng đã khẳng định tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức của thành phố. Đó là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ chức trách nhiệm vụ, quyền hạn đối với những vấn đề tồn tại vướng mắc nhiều năm, những vấn đề mới nhưng có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật hoặc pháp luật không còn phù hợp.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc đùn đẩy trách nhiệm không phải trên tất cả các lĩnh vực mà chủ yếu ở việc xử lý những vấn đề khó khăn ở 2 nhóm, đó là các vấn đề cũ tồn tại lâu năm, và giải quyết vấn đề mới nhưng các quy định pháp luật có sự chồng chéo, có sự mâu thuẫn, không phù hợp. Trong đó, có việc áp dụng pháp luật nhưng xuất phát từ sự lo sợ, dẫn đến đùn đẩy, né tránh.

Liên quan đến công tác tham mưu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết có tình trạng tham mưu lòng vòng, không nêu rõ chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm với công việc được giao. Tìm cách và tìm cơ sở để không làm hoặc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên hoặc chuyển nhiệm vụ, tham mưu đó cho các cơ quan, đơn vị khác trong khi công việc đó thuộc thẩm quyền trách nhiệm của cơ quan đơn vị hoặc vị trí công tác của mình.

Cùng với đó là hiện tượng người đứng đầu né tránh, đùn đẩy giao cho cấp phó trả lời, cung cấp thông tin, những việc thuộc thẩm quyền của mình nhưng không ký mà giao cho người khác ký thay. Chỉ đạo chung chung, khi có ý kiến khác nhau thì kết luận không rõ ràng, không nêu quan điểm, chính kiến của mình mà đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới và chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

“Tôi xin khẳng định đây không phải là tất cả đội ngũ CB-CCVC trong hệ thống chính trị của thành phố. Chúng ta phải nhìn nhận việc này cho khách quan, không thể vì một số nhỏ mà phủ nhận sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị. Đa số cán bộ công chức đang rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc của mình”, ông Quảng khẳng định.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, thực trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh đã gây hệ quả rất lớn. Nó không chỉ phủ nhận thành tựu, công gắng của cả hệ thống chính trị mà còn là nguyên nhân chính gây nên sự giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp và chính quyền thành phố. Đặc biệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Sửa quy chế làm việc để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trước thực trạng một bộ phận CB-CCVC đùn đẩy né tránh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc kịp thời nhận diện, chấn chỉnh hiện tượng này là vô cùng cấp thiết đối với thành phố trong tình hình hiện nay. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương ban hành chỉ thị mới để thay thế cho Chỉ thị 29 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ và yêu cầu phát triển trong thời gian tới với quan điểm kế thừa và bổ sung những giải pháp mới phù hợp với tình hình, yêu cầu mới để lãnh đạo chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống chính trị.

Theo đó, sẽ tập trung đánh giá thực trạng cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ của đội ngũ CB-CCVC hiện nay để xác định những biểu hiện và nguyên nhân của những mặt hạn chế. Trên cơ sở đó tập trung khắc phục, định hướng những giải pháp trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói gì về việc cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm? ảnh 2
Khen thưởng cho các cơ quan đơn vị trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, sẽ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là của người đứng đầu ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị trong cải cách hành chính và thực thi công vụ.

Xác định các giải pháp cụ thể, trọng tâm để đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng và chính quyền. Đặc biệt là rà soát, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện các quy trình để giải quyết công việc theo hướng giản lược tối đa các trình tự, thủ tục và rõ về trách nhiệm cá nhân của từng vị trí công tác.

Việc củng cố bộ máy và công tác cán bộ, ông Quảng cho biết: Sẽ tập trung hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Cải thiện quy trình quản lý và xác định rõ trách nhiệm đến mỗi cá nhân trong thi hành công vụ. Kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức, đảng viên kể cả người đứng đầu khi có các biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thống nhất giao cho Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng cơ chế để người đứng đầu cơ quan đơn vị quyết định xử lý tạm đình chỉ công tác, chuyển vị trí công tác khi cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh.

“Cơ chế này, người đứng đầu sẽ ra quyết định nhanh về trình tự thủ tục khi xử lý”, ông Quảng cho biết.

Liên quan đến đào tạo cán bộ, Bí thư Đà Nẵng cho biết, sẽ đổi mới theo hướng chú trọng chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống thực tế, đào tạo theo cơ chế đặt hàng của các sở ngành, đơn vị địa phương. Đồng thời, có cơ chế nhận xét đánh giá của cấp ủy để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói gì về việc cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm? ảnh 3

Người dân đến giao dịch tại trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng.

Ông Quảng cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận thống nhất sẽ phải sửa đổi quy chế làm việc, trong đó sẽ phải xác định rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy trong việc đánh giá nhận xét đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Đây là cơ sở để cán bộ bị thanh tra, kiểm tra, điều tra cấp ủy các cấp mà trước hết là Ban Thường vụ phải có trách nhiệm trong việc đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá, xem xét việc khi cán bộ đó làm thì cấp ủy đã xem xét đánh giá chưa? Việc đó có vụ lợi hay không? Mang lại lợi ích như thế nào?

Cùng với đó, Thành ủy Đà Nẵng cũng sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp để cải cách thủ tục hành chính xử lý kịp thời các hành vi đùn đẩy né tránh trách nhiệm. Đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nêu gương và phải nhận trách nhiệm cao hơn khi để xảy ra các vi phạm, hạn chế của cơ quan đơn vị, không được đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.

"Tự chúng ta không nhận diện, tự khắc phục các hạn chế, chờ cơ quan cấp trên vào kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật thì khi đó người đứng đầu chịu trách nhiệm cao hơn. Còn nếu chúng ta tự phát hiện, tự nhận diện là những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng ngừa từ xa, không để những vi phạm trở thành những vi phạm lớn”, ông Quảng nói.

Đồng thời ông Quảng cho biết, sẽ xây dựng cơ chế khen thưởng xứng đáng để khích lệ, cổ vũ cán bộ, công chức cống hiến vì sự nghiệp chung. Cùng với đó sẽ công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm làm cơ sở để đánh giá, xem xét trong quá trình quy hoạch bổ nhiệm cán bộ.

“Phải có cơ chế rõ ràng việc khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến. Đây cũng là cơ sở để sau này nếu anh em làm được 10 việc, mà có 9 việc làm tốt, 1 việc làm sai thì phải xem xét đánh giá trong tổng thể. Căn cứ nào để đánh giá 9 việc còn lại làm tốt thì phải bằng cơ chế ghi nhận và khen thưởng”, ông Quảng nhấn mạnh.

Tin liên quan