Hóa giải nỗi sợ sai: Đà Nẵng và những bài toán nan giải

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau loạt sai phạm liên quan đất đai được Thanh tra Chính phủ kết luận, các bản án được tuyên đã khiến cho Đà Nẵng khựng lại, thậm chí tụt lùi so với các địa phương xung quanh. Cùng với đó là tâm lý sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã và đang là nỗi lo cho sự phát triển của thành phố.

Rối bời trong những sai phạm, vướng mắc

Mới đây tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nêu ra con số hơn 1.300 dự án trên địa bàn vướng mắc đến việc thực hiện Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quá trình thực hiện Luật đất đai từ năm 2003 đến năm 2010, đã nói lên thực trạng và khó khăn của Đà Nẵng hiện nay.

Theo ông Quảng đây là những vấn đề lớn của Đà Nẵng trong việc giải quyết những vấn đề cũ, tồn tại kéo dài cần tháo gỡ để khơi thông nguồn lực đất đai, xã hội cho thành phố phát triển. Thực tiễn của Đà Nẵng cần có cơ chế để giải quyết. Bởi có những quy định mới nhưng không giải quyết được vấn đề cũ, dẫn đến việc chưa xử lý triệt để các vấn đề mà yêu cầu khách quan đang đặt ra.

Đầu năm 2023, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện chủ đề của năm với mục tiêu rà soát, triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, quy hoạch, đầu tư…

Trong kế hoạch nổi cộm lên 11 vụ việc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án. Và có 32 dự án không thuộc phạm vi của Tổ công tác theo quyết định 153 ngày 29/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ cần sớm tháo gỡ. Trong đó có nhiều dự án quy mô hàng chục, hàng trăm hecta vướng mắc nhiều năm nay chưa thể triển khai thực hiện.

Đơn cử như dự án Đa Phước, sân vận động Chi Lăng liên quan đến các bản án của Phan Văn Anh Vũ và các cựu quan chức, vụ án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bỏ hoang đổ nát, chưa biết bao giờ có lời giải. Hay những dự án khu đô thị, dân cư vướng hồ sơ pháp lý bỏ hoang, Đà Nẵng tháo gỡ mãi không xong khiến nguồn lực đất đai bế tắc.

Ngay ở quận trung tâm Hải Châu “đập vào mắt” là những lô “đất vàng” bị bỏ hoang khi dự án đóng băng hơn chục năm không nhúc nhích, như dự án Đà Nẵng Center, dự án Diamond Square (số 2), dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn chung cư cao cấp Golden Square,… Đó là những hình ảnh buồn cho một thành phố từng được biết đến với những cuộc “lột xác” ngoạn mục bằng những chính sách đột phá đã tạo nên bước phát triển thần kỳ.

Trì trệ dẫn đến thụt lùi

Hóa giải nỗi sợ sai: Đà Nẵng và những bài toán nan giải ảnh 1

Hàng loạt dự án ở quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) bỏ hoang do vướng mắc pháp lý, thủ tục Ảnh: Nguyễn Thành

Một Đà Nẵng năng động dám nghĩ, dám làm với những thương hiệu một thời nay đang khựng lại. Trong các diễn đàn của HĐND, UBND thành phố lãnh đạo thành phố, sở ngành đã nhiều lần nhìn nhận thực trạng tâm lý của anh em cán bộ đã bị ảnh hưởng, sang chấn sau những kết luận sai phạm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Một lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng từng than phiền rằng: “Thái độ, tinh thần bám việc của cán bộ, lãnh đạo thành phố hiện nay, không bằng, thậm chí kém hơn rất nhiều so với 10-15 năm trước đây… Bây giờ mọi thứ chậm chạp, cán bộ lãnh đạo làm việc cẩn trọng một cách quá mức, khiến cho các phần việc triển khai quá chậm”.

Trong một kỳ họp HĐND TP từ cách đây 3 năm, đại biểu Tô Văn Hùng đã đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ trong việc khắc phục các sai phạm, vướng mắc ở Đà Nẵng.

Một thời gian dài thành phố đã vận dụng những cách làm trên nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển. Rất nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức, lãnh đạo đánh giá Đà Nẵng như một điểm sáng trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Theo ông Hùng, nếu không có chính sách thu hút, rút ngắn thủ tục quy trình trong kêu gọi đầu tư thì những mảnh đất vốn là cát trắng, cằn cỗi xa xôi, hẻo lánh sẽ không ai để mắt đến. Nếu không có chính sách đột phá trong chính sách đền bù thì không thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong một khoảng thời gian ngắn để kiến tạo diện mạo thành phố như hiện nay. Tuy nhiên, với pháp luật mọi sự vận dụng không phù hợp đều là sai phạm, phải xử lý, buộc phải khắc phục. Và rằng, những người đang đương chức cũng rất day dứt khi những lãnh đạo đi trước đang phải hứng chịu, xử lý với mức án nặng nề. Hơn lúc nào hết cần sự chia sẻ, cảm thông, cần tháo gỡ những nút thắt trong tư duy quan điểm khi tiếp cận vấn đề đất đai mang tính lịch sử của thành phố.

Hóa giải nỗi sợ sai: Đà Nẵng và những bài toán nan giải ảnh 2

Cán bộ công chức TP Đà Nẵng làm việc tại trung tâm hành chính TP Ảnh: Nguyễn Thành

Và mới đây, tại buổi họp báo quý I/2023 (ngày 14/4), lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chia sẻ các thông tin nổi cộm trên địa bàn. Trong đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế của TP đạt khá, nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lại gia tăng, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tụt xuống vị trí thứ 9 cả nước.

Ông Lê Minh Tường - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết: Nguyên nhân chính khiến chỉ số PCI của Đà Nẵng tụt hạng là do nhiều tồn tại trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay.

Cuối tháng 12/2022, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ kiện toàn bộ máy lãnh đạo nhà nước về đất đai, hoàn thành việc khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án. Để đến năm 2030 triển khai có hiệu quả, đồng bộ pháp luật về đất đai để góp phần xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước.

Đà Nẵng sẽ làm gì?

Tổng kết đánh giá thực trạng giai đoạn 2015 -2021, tháng 8/2022, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Thành ủy Đà Nẵng cho biết phải đối diện rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là phải tập trung khắc phục xử lý sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương. Cùng với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thành phố. Trong khi đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời theo kịp yêu cầu thực tiễn, tình hình mới; công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu…

Theo Thành ủy Đà Nẵng, thời gian qua đã có những hạn chế trong công tác cán bộ, một số cán bộ, đảng viên chưa tiên phong gương mẫu việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, bố trí công tác chưa đúng với vị trí việc làm nên ảnh hưởng đến động lực làm việc. Có không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, một bộ phận nhỏ phai nhạt lý tưởng, ngại va chạm.

Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do năng lực, tính chủ động dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, ý chí chiến đấu của một số đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế. Vẫn còn hiện tượng nặng về chấp hành thực hiện, thiếu bản lĩnh trong đấu tranh, bảo vệ cái đúng chỉ ra cái sai, bị động trong một số lĩnh vực. Chất lượng của việc tham mưu một số lĩnh vực chưa cao, trong khi sự chủ động, mức độ phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, cơ quan đơn vị chưa chặt chẽ.

Thành ủy Đà Nẵng đã đề ra một số giải pháp trong đó có việc khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sự nghiệp phát triển Đà Nẵng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, siết kỷ luật, kỷ cương tạo môi trường điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, sẽ thực hiện rà soát đánh giá để có chính sách phù hợp đối với cán bộ hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm trong công việc để kịp thời thay thế. Củng cố và phát huy vai trò CLB cán bộ trẻ làm cơ sở phát hiện, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, chú trọng đào tạo thông qua việc cử cán bộ xuống cơ sở hoặc trưng tập, tăng cường để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP đảm bảo quy định….

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.