Bất an trước ba không

Bất an trước ba không
TP - Không ban hành quy định cho phép dùng phẩm vàng tổng hợp Tartrazine (còn có ký hiệu E102) trong mỳ tôm, một trong những loại thực phẩm được dùng phổ biến nhất ở các gia đình Việt Nam.

> Danh mục phụ gia thực phẩm: Bộ Y tế quên cập nhật?

Không cập nhật các khám phá mới của quốc tế về E102. Không tiến hành bất cứ một điều tra nghiên cứu nào về thực trạng sử dụng E102 trên các sản phẩm ở Việt Nam, nhằm kiểm tra xem các nhà sản xuất có tuân thủ giới hạn an toàn cho phép đề ra không.

Không chỉ với E102, ba cái không ấy cũng đúng cho tất cả các loại phụ gia thực phẩm khác được ban hành kèm Quyết định 3742 của Bộ Y tế hồi đầu thiên niên kỷ 2000. Với ba cái không ấy, làm sao có thể đưa ra kết luận về mức độ nguy hại của các phẩm màu tổng hợp dùng trong thực phẩm, trong đó có E102 đang gây xôn xao dư luận những ngày qua?

Hẳn phải có lý do khi nhiều nước trên thế giới, kể cả Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm (Codex), phải ban hành những tiêu chuẩn, quy định riêng cho sản xuất mì gói. Điều đó chứng tỏ mì gói là một sản phẩm đặc biệt phổ biến khiến các quốc gia đều có những lưu ý riêng trong quá trình sản xuất loại thực phẩm này. Việc đánh đồng mì ăn liền với “snack được chế biến từ ngũ cốc” phần nào cho thấy tư duy bao biện của một số cán bộ làm công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta.

Thế giới sửng sốt trước thông tin 2/3 dân số Đài Loan (khoảng 25 triệu người) đã nhiễm chất tạo đục DEHP, một loại chất dẻo được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm 2B, nhóm có thể gây ung thư cho người. Cơn bão DEHP được các nhà khoa học gọi là một thử nghiệm lâm sàng rộng lớn và đau đớn trên người khi, phải sau 15 năm, các khoa học gia mới phát hiện tác hại của chất này đến sức khỏe.

Hầu hết các kết luận khoa học về ảnh hưởng của các phụ gia trong thực phẩm đến sức khỏe con người đều dựa vào các thí nghiệm trên chuột. Nhưng, với những gì đang xảy ra trong câu chuyện phụ gia thực phẩm và E102 nói riêng ở Việt Nam, không khéo chúng ta đang phải chứng kiến một hiện tượng mà hầu như không ai mong muốn. Đấy là khi sự không kịp thời, có thể gọi là sự thờ ơ vô tình biến con người thành đối tượng thử nghiệm.

Bất luận E102 chưa được chứng minh ở Việt Nam là độc hại hay không, bất luận rồi đây thứ màu tổng hợp ấy được làm sáng tỏ thế nào ở Việt Nam, việc ai đó nói hộ cho các doanh nghiệp chưa hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình đối với người tiêu dùng, ai đó cố tình phủ nhận hiện thực “ba không” trong câu chuyện E102, những người quan tâm không khỏi cảm thấy bất an.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG