Bài học từ... đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mái đầu bạc trắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cúi gằm trước vành móng ngựa nhận tội liên quan đến đất đai, gây ra khi đương chức. Nếu không vì lòng tham, tầm này, ông Thắng có lẽ đang tỉa tót cây cảnh hoặc ngồi nghe cháu ê a học bài bên hiên nhà.

Trong tiệc rượu, các doanh nhân ngồi với nhau, những “anh hai” quan chức phải rúm ró gõ cửa cầu cạnh ngày nào, giờ trở thành cái tên nhắc tới để đỡ nhạt chuyện. Tên tuổi lưu truyền như bộ ba tỉnh Khánh Hòa: Chiến Thắng - Vinh - Quang (nguyên Chủ tịch UBND Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND Lê Đức Vinh và Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang) cũng dính chùm vi phạm đất đai.

Quan chức vi phạm đất đai thực sự đang là câu chuyện nhức nhối tại nhiều địa phương. Xó xỉnh hoang vu như Măng Đen (Kon Tum), Tà Đùng (Đắk Nông)… cũng sốt đất, phá rừng xây biệt thự hoặc quan chức địa phương làm ngơ trước sai phạm. Những quan chức kiểu này rất giỏi “môn” bắt tay, liên thủ với doanh nghiệp. Công thức ngầm của nhiều doanh nghiệp “khai thác” quỹ đất: Vốn chính là tiền bôi trơn những quan chức hư hỏng. Khi nào có đất, sẽ vẽ dự án, kêu gọi các nhà đầu tư khác. Quá trình triển khai, tùy vào sự lên giá, doanh nghiệp sẵn sàng chung chi tiếp tục phá vỡ quy hoạch nhằm nhồi nhét, tăng mật độ để tối đa hóa lợi nhuận.

Có một nghịch lý nếu để ý kỹ sẽ thấy. Giải phóng mặt bằng dự án bất động sản bao giờ cũng nhanh hơn hạ tầng giao thông. Bởi vì lợi nhuận các dự án bất động sản thường cao và chủ doanh nghiệp chịu “bôi trơn”. Những dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội, Metro Sài Gòn-Suối Tiên (TPHCM) đều vật vã trở thành biểu tượng của sự trì trệ về năng lực quản lý, chậm từ 12-14 năm. Xử lý và chỉnh đốn đảng, nhất là những đảng viên giữ trọng trách là việc phải làm.

Những “đảng viên hữu danh vô thực” đôi khi ngụy trang rất kỹ, với vẻ ngoài thanh liêm, có khi in sách giáo dục lý tưởng sống, nhưng kỳ thực chỉ cần một chữ ký trong bóng tối khiến mất cả khu rừng hoặc nham nhở ngọn núi. Vi phạm của họ chủ yếu liên quan tới đất đai. Có tỉnh, cán bộ hưu trí chua xót thốt lên, mấy đời chủ tịch tỉnh bị xử lý. Điều này để thấy tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng trước sự tha hóa một số đảng viên.

Thao túng, trục lợi từ đất có thể đem tới bổng lộc, với cuộc sống xa hoa. Nhưng, họ sẽ nhận lại được gì khi hậu vận là lao lý, tủi nhục, ăn năn, sám hối muộn mằn?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.