Tham dự lễ kỷ niệm có Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Tạ Quang Đông cùng các nhà điện ảnh lão thành và đông đảo đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ…
Đông đảo đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: TUẤN MINH. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh cả nước, các cơ quan quản lý ngành và Hội Điện ảnh Việt Nam, biểu dương những thành tựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua.
Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Kể từ ngày 15/3/1953, ngành điện ảnh Việt Nam ra đời, phụng sự lý tưởng của Đảng, cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người.
Nhiều ca khúc nhạc phim điện ảnh nổi tiếng được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. |
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh nói riêng, với mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt hơn nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL tặng hoa cho NSND Trà Giang. Ảnh: TUẤN MINH. |
Tuy nhiên, để tiếp tục góp phần phát triển sự nghiệp điện ảnh trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, ngành điện ảnh cần phát huy truyền thống, tăng cường đoàn kết, huy động tiềm năng sáng tạo của đội ngũ, tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hệ tiêu chí cơ bản là dân tộc, hiện đại, nhân văn, hội nhập.
“Đó sẽ phải là một nền kinh tế văn hóa mũi nhọn với năng lực sản xuất cao, thị trường năng động để có thể tạo ra lượng sản phẩm điện ảnh dồi dào, vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và thẩm mỹ, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí lành mạnh và ngày càng cao của nhân dân”, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nêu.
Ông cũng bày tỏ niềm tin điện ảnh cách mạng Việt Nam vững vàng hội nhập và tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời có nhiều đóng góp xứng đáng, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc. Ảnh: TUẤN MINH. |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá: “Trong 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam kịp thời nắm bắt thời cơ trong đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều tác phẩm điện ảnh góp phần quảng bá thiết thực, sâu sắc về văn hóa và du lịch Việt Nam, tạo cơ hội thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam hợp tác sản xuất và phát hành phim”.
Phim tài liệu Bác Hồ với Điện ảnh công chiếu trong lễ kỷ niệm. |
NSND Trà Giang bày tỏ sự biết ơn người dân Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, người dân miền Bắc luôn quan tâm, khích lệ, ủng hộ nữ nghệ sĩ để bà từ một học sinh miền Nam nhỏ bé trở thành một diễn viên như hôm nay.
“Tôi rất biết ơn Hãng phim truyện Việt Nam nơi đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của tôi. Những nhân vật đầu tiên Trà Giang đóng đều được nhân dân miền Bắc đón nhận, từ đó giúp tôi trở thành nghệ sĩ nhân dân”, NSND Trà Giang chia sẻ.
Dịp này, NSND Trà Trang cũng bày tỏ sự xót xa về câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam. Bà mong rằng các nhà quản lý lưu tâm và giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Dịp kỷ niệm 70 ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953–15/3/2023), trước đó Cục Điện ảnh chủ trì biên soạn, ấn hành cuốn Kỷ yếu 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1953-2023) - Hệ thống tổ chức ngành điện ảnh dành tặng các nhà điện ảnh và những ai quan tâm, yêu mến điện ảnh Việt Nam.
Ngày 14/3 Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Cục Điện ảnh và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức chuyến đi cho các đại biểu, nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh, nhiếp ảnh về thăm khu di tích Điện ảnh Đồi Cọ và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành.