Bộ trưởng VHTTDL lý giải nguyên nhân du lịch Việt Nam 'đi trước, về chậm'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” diễn ra sáng 15/3, sau tròn một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại. Tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nêu thực trạng phát triển du lịch Việt Nam chưa đạt kỳ vọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không dự trực tiếp và trực tuyến qua các điểm cầu.

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu một số thành tựu của du lịch Việt Nam từ dấu mốc mở cửa 15/3/2022, đặc biệt là kết quả hoạt động du lịch hai tháng đầu năm 2023.

Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tới thời điểm này đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch.

Bộ trưởng VHTTDL lý giải nguyên nhân du lịch Việt Nam 'đi trước, về chậm' ảnh 1
Lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không tham dự hội nghị (ảnh: Nhật Bắc).

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, ngành du lịch cần xác định lại những vấn đề hạn chế.

"Chúng ta đã mở cửa trước, đi trước nhưng về chậm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt mức kỳ vọng. Dù có nhiều nguồn lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường quốc tế, nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn của Chính phủ và các cơ quan du lịch", ông Nguyễn Văn Hùng nêu.

Một số nguyên nhân dẫn đến du lịch chưa đạt kỳ vọng, trước hết do thương hiệu du lịch Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào khách truyền thống, trong khi đó, thị trường này chưa mở cửa hoàn toàn do đại dịch COVID-19 và chính sách của từng quốc gia.

Bộ trưởng VHTTDL lý giải nguyên nhân du lịch Việt Nam 'đi trước, về chậm' ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến thành tựu du lịch chưa đạt kỳ vọng (ảnh: Nhật Bắc).

Thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia. Việc triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa diễn ra thường xuyên và liên tục.

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2023 khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2025 đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu giải pháp định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và các lĩnh vực khác.

"Cần cơ cấu lại thị trường du lịch, thúc đẩy liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các địa phương cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Giải pháp tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch được đưa ra tại hội thảo.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương đánh giá việc thực hiện Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.