Bộ trưởng VHTTDL trả lời về ‘đặt cược thể thao dễ bị lợi dụng, vi phạm pháp luật’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời cử tri về nội dung kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét về một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trong đó có nội dung về đặt cược thể thao.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022.

Cử tri kiến nghị Bộ nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét về một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao cho phù hợp với Điều 321 về “Tội đánh bạc” của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao cho phép đặt cược thể thao, do đó "dễ bị lợi dụng và vi phạm pháp luật".

Trong công văn số 664/BVHTTDL-VP, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu, trong những năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế, các loại hình kinh doanh giải trí có yếu tố cá cược dựa trên khai thác các hoạt động thi đấu thể thao vốn có nguồn gốc từ châu Âu đã được du nhập vào các quốc gia châu Á và phát triển khá mạnh, như đua ô tô công thức I, đua ngựa, đua xe đạp lòng chảo, thi đấu bóng đá...

Chính phủ của nhiều quốc gia sớm đặt ra yêu cầu cần phải hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế tác động xấu đối với xã hội, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực thể thao.

“Song, do kinh doanh đặt cược thể thao là loại hình dịch vụ giải trí đặc thù và còn khá mới mẻ ở Việt Nam, các cơ quan quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm để quản lý, giám sát đối với hoạt động này nên trong giai đoạn đầu triển khai cần có những bước đi phù hợp. Việc triển khai đặt cược thể thao ở nước ta được triển khai trên nguyên tắc thận trọng, theo lộ trình từ thấp đến cao, các sản phẩm đặt cược từ đơn giản đến phức tạp là hoàn toàn phù hợp trong công tác quản lý, điều hành, giám sát của nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải đáp.

Bộ trưởng VHTTDL trả lời về ‘đặt cược thể thao dễ bị lợi dụng, vi phạm pháp luật’ ảnh 1

Lễ hội đua ngựa tại Phú Yên. Ảnh: TRƯƠNG ĐỊNH.

Bộ trưởng VHTTDL phân tích, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cũng cho thấy cần phải có giai đoạn triển khai thí điểm và song song với giai đoạn đó là quá trình hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao kinh nghiệm quản lý, giám sát và tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược, tạo cho xã hội một giai đoạn để dần thích nghi, thay đổi nhận thức, có cái nhìn tích cực đối với loại hình hoạt động giải trí hiện đại.

Luật Thể dục, thể thao thực tế có những điều quy định mang tính nguyên tắc về đặt cược thể thao, cụ thể như sau: kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao; hoạt động kinh doanh thể thao phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là Đồng Việt Nam.

Chính phủ đã cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế (quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế).

Theo quy định tại Điều 321 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), những hành vi đặt cược thể thao không tuân thủ các quy định của Luật Thể dục, thể thao, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành thì được coi là vi phạm pháp luật, tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự về "Tội đánh bạc".

MỚI - NÓNG