Bản đồ Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá 90 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tấm bản đồ tỉnh Thanh Hóa thế kỷ 19 được nhà đấu giá ở Pháp bán với giá hơn hơn 90 triệu đồng. Bản đồ được mô tả có một số vết ố và vết ẩm, rách nhẹ. 

Trong phiên Arts D'asie (Nghệ thuật châu Á) diễn ra ngày 9/3, nhà đấu giá Aguttes ở Pháp rao bán tấm bản đồ tỉnh Thanh Hóa năm 1877, dưới thời vua Tự Đức. Bản đồ được bán với giá hơn 3.607 euro (hơn 90 triệu đồng).

Bản đồ thể hiện tỉnh Thanh Hóa và các tuyến giao thông của tỉnh, có chú thích bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Trung tâm bản đồ được đánh dấu bằng ngôi sao, tượng trưng cho làng Gia Miêu (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, cách TP. Thanh Hóa hơn 40 km về hướng Bắc).

Bản đồ Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá 90 triệu đồng ảnh 1

Tấm bản đồ Thanh Hóa dưới triều đại vua Tự Đức. Ảnh: Aguttes.

Theo mô tả của nhà đấu giá, bản đồ có kích thước 198x90 cm, có một số vết hao mòn, ố và vết ẩm, rách nhẹ. Bản đồ tỉnh Thanh Hóa được một người lính đóng quân ở Đông Dương mua lại vào khoảng năm 1940.

Phiên Nghệ thuật châu Á rao bán 225 hiện vật, gồm tác phẩm nghệ thuật từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ... Ngoài tấm bản đồ Thanh Hóa, nhiều hiện vật của Việt Nam được mua lại với mức giá từ 500 đến hơn 3.000 euro.

Tượng điêu khắc chiến binh nhà Nguyễn mặc giáp được bán với giá 2.137 euro (hơn 50 triệu đồng). Khay trà chữ nhật khảm xà cừ trang trí rồng chầu ngọc, xuất xứ thế kỷ 19 có giá 2.899 euro (hơn 73 triệu đồng).

Bản đồ Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá 90 triệu đồng ảnh 2

Khay trà khảm xà cừ được chào bán trong phiên Nghệ thuật châu Á. Ảnh: Aguttes.

Hiện vật được bán đấu giá cao nhất toàn phiên là tượng Bồ Tát bằng đồng, có từ thời nhà Minh (Trung Quốc), với giá 54.600 euro (1,3 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 6/3/2023, nhà đấu giá Aguttes chào bán nhiều bức tranh của danh họa Việt Nam trong phiên Hoạ sĩ châu Á - Tác phẩm chính. Bức tranh Mẹ và con đang ngủ (1944) của Mai Trung Thứ được bán với giá cao nhất phiên 462.960 euro (11,7 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG