Mong mỏi giải quyết dứt điểm
Sáng 13/12, Hãng phim truyện Việt Nam tổ chức Đại hội chi hội, bầu ra ban chấp hành mới. Tập thể nghệ sĩ cũng ký vào đơn gửi Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra T.Ư, đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong đơn đề nghị, tập thể nghệ sĩ khẳng định sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam để lại hệ lụy lớn. Từ năm 2018 đến nay, người lao động hãng phim không có việc làm, không có lương.
Cảnh đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam hiện tại. |
"Những quyền lợi tối thiểu như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng không có. Những người đến tuổi về hưu chỉ được hưởng chế độ thấp. Trang thiết bị cùng cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, hơn 300 bản phim của hãng bị hỏng do không được bảo quản đúng cách. Tinh thần và niềm tin của chúng tôi bị giảm sút nghiêm trọng", đơn đề nghị nêu.
Tập thể nghệ sĩ cho rằng Hãng phim truyện Việt Nam cần được tồn tại xứng đáng với truyền thống, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Các nghệ sĩ đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận sau khi kiểm tra việc thực hiện kết quả thanh tra công tác cổ phần hóa hãng phim, từ đó có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Nhiều người mong mỏi tái cơ cấu Hãng phim truyện Việt Nam nhằm tránh thất thoát tài sản của nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện cổ phần hóa năm 2017. Tháng 4/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định về việc thành lập tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại, hãng phim vẫn hoang tàn, đổ nát. Trụ sở vàng của hãng tại số 4 Thụy Khuê cũng không hoạt động.
Các nghệ sĩ phải tổ chức Đại hội chi hội ngoài sân dù trụ sở hãng có hội trường khá rộng. |
Tháng 11/2024, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT, đại diện lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) - có buổi làm việc với 20 nghệ sĩ, cán bộ, người lao động nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng.
Ông Nguyễn Danh Thắng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong văn hóa ứng xử và công tác điều hành với doanh nghiệp đặc thù hoạt động về nghệ thuật. "Sau nhiều năm chờ đợi nhưng đến nay các cơ quan chức năng không có phương án để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn, trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì mọi hoạt động, vẫn phải nộp tiền thuê đất hàng năm cho nhà nước. Do vậy công ty quyết định phải khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Danh Thắng nói.
Tuy nhiên theo một số nghệ sĩ, cuộc họp chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Hai bên còn nhiều nội dung chưa thống nhất.
Hãng phim vẫn trong cảnh bỏ hoang
Chia sẻ với PV Tiền Phong về tình trạng hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam, NSƯT Vũ Đình Thân khẳng định việc hãng phim bị đình trệ là thiệt thòi của nhiều nghệ sĩ công tác tại đây. Người lao động chỉ mong được ổn định công ăn việc làm, đời sống.
"Hãng phim truyện Việt Nam ngủ đông gần 10 năm nay không dậy. Trụ sở xuống cấp trầm trọng, không căn phòng nào có thể dùng làm việc được. Nếu được trở lại cũng đã muộn so với mặt bằng chung của các hãng phim tư nhân. Nhưng chậm còn hơn không. Những người còn lại đều tâm huyết với nghề, chờ đợi những ồn ào cổ phần hóa được giải quyết dứt điểm. Chúng tôi chờ một địa chỉ danh tiếng của điện ảnh cách mạng được vực dậy. Nhưng chờ nhiều lần vẫn không thấy có giải pháp nào hiệu quả được đưa", NSƯT Vũ Đình Thân nói.
NSƯT Vũ Đình Thân trở lại nơi gắn bó với ông trong những năm hoạt động nghệ thuật. |
Khi hãng phim không còn hoạt động, trụ sở số 4 Thụy Khuê phải cắt nước. Các phòng làm việc hầu hết bị khóa kín. Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn kể hãng phim có hội trường to, rộng, nhưng giờ bụi phủ kín. Bàn ghế chất đống trong hội trường tối. Nghệ sĩ hãng phim đành tổ chức Đại hội chi hội ngay ngoài sân.
"Tình trạng hiện tại của hãng phim ảnh hưởng tới rất nhiều người. Từ năm 2017 đến giờ, nghệ sĩ ở hãng không có lương, không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Chúng tôi chỉ muốn mọi chuyện sớm được giải quyết để yên tâm làm việc", anh Tuấn bày tỏ.
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thực trạng ở Hãng phim truyện Việt Nam. |
Sau khi cổ phần hóa hãng phim, công việc của nhân viên trong hãng đình trệ hoàn toàn, mỗi người chạy một nơi. Ngoài việc chuyên môn, có người nhận chở hàng thuê, mở quán bán hàng ăn.