Anh Chiến vác tù và

Anh Chiến kiểm tra lại những chiếc xe lắc tay chuẩn bị được trao cho người khuyết tật
Anh Chiến kiểm tra lại những chiếc xe lắc tay chuẩn bị được trao cho người khuyết tật
TP - Hơn 15 năm đảm trách công việc của Hội Từ thiện huyện Đại Lộc (Quảng Nam), số tiền anh kêu gọi quyên góp cho người nghèo đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Thêm một nhà tài trợ là một lần anh thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.
Anh Chiến kiểm tra lại những chiếc xe lắc tay chuẩn bị được trao cho người khuyết tật
Anh Chiến kiểm tra lại những chiếc xe lắc tay chuẩn bị được trao cho người khuyết tật.

Dáng người nhỏ thó, Phan Xuân Chiến, Hội trưởng Hội Từ thiện Đại Lộc, dường như già trước tuổi 42 của mình. Người dân thường nói đùa anh là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên mới chóng… già và bởi anh đảm trách số lượng công việc gấp nhiều lần của các thành viên trong hội.

Hỏi anh “có đúng không ?”, anh cười vui vẻ: “Đúng. Tôi già thì có, vác tù và cũng đúng nhưng với tôi đó là một niềm vui lớn. Già thì có sao đâu!”.

Từng theo học y học cổ truyền dân tộc, từ những năm 1990, anh đã hành nghề khám chữa bệnh cho người nghèo khắp Đại Lộc. Năm 1994, chàng trai Phan Xuân Chiến là trường hợp duy nhất tính ở thời điểm đó được đặc cách cấp giấy phép hành nghề Đông y trước tuổi.

Tôi già thì có, vác tù và cũng đúng nhưng với tôi đó là một niềm vui lớn. 

Theo quy định, phải từ 40 tuổi trở lên mới được cấp phép hành nghề Đông y. Lúc đó, anh chỉ mới 26 tuổi và trở thành thầy thuốc Đông y trẻ nhất Quảng Nam.

Hành nghề y, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh éo le của hàng trăm người bệnh, có gì đó thôi thúc anh chuyển qua những hoạt động vì cộng đồng, vì những người nghèo khó. Năm 1995, khi Hội Từ thiện huyện Đại Lộc ra đời, anh không ngần ngại đảm nhận thêm vai trò hội trưởng, hằng ngày vừa khám chữa bệnh cho dân, vừa ra sức kêu gọi giúp đỡ người nghèo.

Không nề hà khó khăn, anh ngược Bắc, xuôi Nam, đi bất cứ đâu chỉ với mong muốn tìm được nhà tài trợ cho những số phận không may mắn. Mọi chi phí cho những lần đi anh đều tự túc mà không một lời ca thán.

Anh nói: “Mình ít ra còn may mắn hơn nhiều người, nên có thể giúp được gì thì mình giúp. Nhiều lúc đi kêu gọi tài trợ cho người nghèo mà họ cứ nghĩ là mình đi xin cho chính mình. Phải nghe nhiều lời nói không hay, nhiều khi còn bị đuổi thẳng thừng. Nhưng vì dân nghèo, tôi đâu sợ tủi nhục, miễn sao là có thể tìm được nguồn tài trợ là vui rồi”.

Mỗi tháng vẻn vẹn 900 ngàn tiền lương, vợ là giáo viên cấp 2, cuộc sống của gia đình cũng không lấy gì khấm khá, hai vợ chồng phải tất bật lo cho ba đứa con đang tuổi ăn học. Anh Chiến kể, vì anh mải mê công việc, gia đình anh cũng lắm phen đứng trước đổ vỡ, tưởng chừng không cứu vãn.

Biết chuyện, bà con lối xóm và những người được anh cưu mang lại đứng ra khuyên can chị giùm anh. Rồi dần dần, chị cũng hiểu và thông cảm với chồng hơn.

Hành nghề y, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh éo le của hàng trăm người bệnh, có gì đó thôi thúc anh chuyển qua những hoạt động vì cộng đồng, vì những người nghèo khó. 

Tính sơ, từ năm 2005 đến 2009, anh vận động được gần 21 tỷ đồng tiền tài trợ. Với số tiền trên, anh và Hội Từ thiện đã triển khai các hoạt động: nấu cháo cho người nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao học bổng và xe đạp tình thương cho học sinh nghèo.

Hội đã xây dựng 6 lớp mẫu giáo tại xã Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Đồng, tặng 600 xe lăn, 118 xe lắc tay cho người tàn tật; xây mới 46 ngôi nhà tình thương và sửa chữa hàng trăm nhà khác bị bão lũ phá hỏng; hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho các nạn nhân chất độc da cam...

Chỉ tính riêng trong năm 2010, anh đã đứng ra vận động được 200 xe lăn, 30 xe lắc tay, xây 10 nhà tình nghĩa mỗi nhà trị giá 30 triệu đồng.

Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều xã của huyện Đại Lộc bị nhấn chìm trong nước, hàng trăm hộ dân lâm cảnh khốn đốn. Anh liên hệ kêu gọi được hàng trăm tấn gạo, lương thực và nhu yếu phẩm giúp đỡ bà con qua cơn hoạn nạn.

Mẹ con chị Bảy bên ngôi nhà mới
Mẹ con chị Bảy bên ngôi nhà mới.

Chị Nguyễn Thị Bảy trú thôn Đông Tây, Đại An (Đại Lộc), người được anh Chiến và Hội Từ thiện giúp sức thoát nghèo, nói: “ Nằm mơ mẹ con tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày hôm nay. Nhờ sự giúp đỡ của anh Chiến và Hội Từ thiện mà bốn mẹ con tôi mới thoát được cơ hàn. Hội đã giúp làm nhà, còn cấp vốn để trồng trọt và chăn nuôi. Nếu không có sự giúp đỡ đó, gia đình tôi không biết sẽ sống ra sao!”.

Ngôi nhà vững chãi mà chị Bảy và ba đứa con đang ở được xây từ số tiền mà anh Chiến kêu gọi tài trợ. Chồng mất vì ung thư, bốn mẹ con chị Bảy sống lay lắt trong căn lều dột nát. Biết được hoàn cảnh của gia đình chị, anh Chiến cất công vào TPHCM để kêu gọi một Mạnh thường quân giúp đỡ gia đình chị gần 60 triệu đồng để xây nhà và làm kinh tế.

Cuộc sống của bốn mẹ con chị Bảy nay đã khá hơn, cả ba đứa con của chị đều được đến trường ăn học. Chị Bảy chỉ là một trong số hàng trăm hộ gia đình, hàng ngàn người dân được giúp đỡ từ nỗ lực của anh.
Với những đóng góp nhiều năm liền, anh Phan Xuân Chiến được phong là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2008, anh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những cống hiến cho người nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG