An sinh cho người hồi hương: Chật vật xoay xở

0:00 / 0:00
0:00
Anh Y.S thu hoạch lúa sau khi khỏi bệnh
Anh Y.S thu hoạch lúa sau khi khỏi bệnh
TP - Cố bám trụ không được, nhiều lao động trở về quê ở Đắk Lắk. Có người về tới nhà mới phát hiện mắc COVID-19. Đối diện những giây phút thập tử nhất sinh càng khiến họ quý trọng sức khỏe. Họ trở thành “thợ đụng” (làm bất kỳ việc gì để tiếp tục sống, trả những khoản nợ sắp đến hạn).

Về được nhà là sống rồi

Sau gần 1 tháng điều trị, anh Y.S.B (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã khỏi bệnh COVID-19. Việc đầu tiên anh làm là lên rẫy dọn cỏ vườn mì (sắn), phụ gia đình thu hoạch lúa. “Mình quen lao động, cả tháng qua ở bệnh viện với đi cách ly nên tay chân bứt rứt lắm. Trải qua những ngày thập tử nhất sinh, mình nhận ra sức khỏe quý hơn hết. Gia đình, quê hương là nơi ấm áp, mình luôn muốn về”, anh Y.S tâm sự.

Anh Y.S có 2 héc-ta đất rẫy và đất lúa. Sau khi gieo trồng, anh vào Nam tìm việc làm thêm. Tháng 3/2021, anh xuống Bình Dương làm phụ hồ, mỗi ngày kiếm được 350 nghìn đồng. Anh dự định làm hết tháng 10 sẽ về thu hoạch cà phê nhưng tháng 6, dịch COVID-19 bùng phát khiến anh thất nghiệp. Dù rất cố gắng bám trụ nhưng đến tháng 7 hết tiền, bụng đói, Y.S đành phải về quê.

Anh không biết bản thân đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cho đến khi về đến quê. “Lúc nhận tin bị dương tính, mình sốc và sợ lắm vì đọc tin tức thấy người ta chết nhiều. Rất may được bác sĩ điều trị tận tình, mình khỏi bệnh. Bây giờ mình lo làm rẫy, khi nào miền Nam hết dịch, mới tính chuyện có vào lại hay không”.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đắk Lắk (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: 9 tháng năm 2021 có hơn 5.900 người đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả chế độ 89 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 3.400 lao động ngoại tỉnh, phần lớn làm việc tại các tỉnh thành phía Nam.

Không riêng anh Y.S, nhiều lao động từ các tỉnh thành phía Nam vừa hồi hương vào đầu tháng 10/2021. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk được giao nhiệm vụ lập kế hoạch tiếp đón công dân; ngành Y tế được giao nhiệm vụ sàng lọc, bóc tách F0 trước khi giao về các địa phương cách ly y tế, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Dù phải chạy xe máy hàng trăm cây số xuyên đêm trong mưa lạnh, nhiều người rơi nước mắt vui mừng khi về đến quê nhà. “Chỉ cần về được nhà, tôi mừng lắm rồi. Rau cháo ăn qua ngày cũng được. Ba tháng trong căn phòng trọ chật hẹp ở TPHCM, gia đình tôi luôn thấp thỏm nỗi lo dịch bệnh, lo miếng ăn…”, chị Nông Thị Hà (28 tuổi, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) trải lòng sau khi cùng chồng, con đi xe máy 2 ngày đêm về quê vào ngày 4/10. Chị Hà cho biết, sẽ rất lâu nữa mới nghĩ đến chuyện vào Nam tìm việc. Trước mắt, chị còn có bố mẹ làm chỗ dựa.

Tìm kế sinh nhai

Về quê cùng đợt với Y.S, chị H’Sách Êban (38 tuổi, buôn Khanh, xã Cư Pui) may mắn không bị nhiễm SARS-CoV-2. Sau thời gian cách ly, chị gia nhập đội “thợ đụng” ở buôn, làm thuê đủ nghề từ bẻ bắp, dọn cỏ… “Chồng mất sớm, một mình tôi lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học. Nhà chỉ có 5 sào đất rẫy và hơn 1 sào đất lúa, nên tôi phải đi làm thuê thêm. Ai kêu gì tôi làm nấy, một ngày cũng kiếm được 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, công việc không đều, tôi lo lắm vì còn khoản nợ đã hứa Tết sẽ trả”, chị H’Sách Êban tâm sự.

Trước đó, chị H’Sách vào Bình Dương làm công nhân cho một công ty sản xuất giày da được 2 năm. Với mức lương trung bình 8-9 triệu đồng/tháng gồm cả tiền tăng ca, chị H’Sách dành dụm được hơn nửa gửi về quê cho ông bà chăm sóc hai con. Dịch bệnh ập đến, công ty đóng cửa, “nồi cơm” của gia đình chị bị mất. Không việc làm, không người thân, không tiền bạc, dịch bệnh bủa vây, cuối tháng 7/2021, chị H’Sách hòa vào dòng người di cư về quê. Từ đây, chị H’Sách áp lực hơn với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Cũng bắt tay kiếm tiền sau khi bất đắc dĩ về quê, chị H’Hoen K’liêng (36 tuổi, buôn Yuk, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) xin được việc thu hoạch lúa với tiền công 150 nghìn đồng/ngày. Chị H’Hoen cho hay, rất may thời điểm này ở quê đang vào vụ thu hoạch và sạ lúa… nên có công việc đều đều. Ngày nào nghỉ, chị vào rừng hái măng làm thức ăn và bán lấy tiền. Trước đó, chị H’Hoen vào Đồng Nai làm công nhân. Năm nay, chị làm đến cuối tháng 6 thì bị mất việc. Một tháng sau, chị H’Hoen quyết định về quê tìm việc để trang trải cuộc sống.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/10 đến nay có gần 20.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Trước đó, có hơn 1.000 công dân được UBND tỉnh tổ chức đón về, ngoài ra, còn có hàng nghìn công dân tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì việc lập danh sách, chi trả chế độ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; đồng thời giao các địa phương nắm bắt nhu cầu việc làm của lao động hồi hương. Những trường hợp có nhu cầu hỗ trợ tìm việc, địa phương sẽ lập danh sách báo cáo lên tỉnh. Sau đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Đắk Lắk sẽ kết nối, giới thiệu công việc phù hợp.

MỚI - NÓNG