4 vũ khí giúp tàu sân bay Mỹ ngày càng nguy hiểm

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68) lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: National Interest
Hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68) lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: National Interest
Phòng thủ tên lửa tích hợp hay vũ khí laser năng lượng cao là 2 trong những trợ thủ đắc lực giúp tàu sân bay Mỹ trở nên đáng sợ hơn trong thời gian tới.

Phòng thủ tên lửa tích hợp

Theo National Interest, Hải quân Mỹ đang vận hành hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới. Tuy vậy, sự phát triển mạnh của vũ khí dẫn đường công nghệ cao khiến các chiến hạm cỡ lớn dễ bị tổn thương hơn.

Các chuyên gia quân sự ước tính, cuộc tấn công dồn dập từ nhiều tên lửa chống hạm có thể tiêu diệt một hàng không mẫu hạm. Từ lâu, phòng không đã trở thành vấn đề nan giải đối với tàu sân bay. Những năm Chiến tranh Thế giới thứ 2, rất nhiều tàu sân bay đã bị đánh chìm trước các cuộc không kích từ trên không.

Đến những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển máy bay ném bom Tu-22 Backfire được trang bị tên lửa tầm xa cho nhiệm vụ tấn công tàu sân bay Mỹ. Sự phát triển mạnh của vũ khí chống hạm tưởng chừng như làm cho hàng không mẫu hạm trở nên yếu thế. Nhiều chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi về khả năng sống sót của tàu sân bay trong "kỷ nguyên tên lửa chống hạm".

Tuy nhiên, tên lửa chống hạm sẽ không còn là mối đe dọa lớn với hàng không mẫu hạm Mỹ khi hệ thống vũ khí mới được trang bị. Gần đây, tập đoàn Lockheed Martin đã đề xuất ý tưởng phát triển phương tiện phòng thủ tích hợp MOKV với khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu cùng lúc. Nó bao gồm một đạn mẹ chứa nhiều đạn con. Khi được phóng, mỗi đạn con sẽ làm nhiệm vụ đánh chặn một mục tiêu cụ thể dưới sự hướng dẫn của hệ thống điều khiển hỏa lực.

Phương tiện mới có thể được đưa vào hoạt động từ năm 2025. Hệ thống mới sẽ nâng cao mức độ phòng thủ cho các hàng không mẫu hạm Mỹ. Khi đó, tàu sân bay sẽ không phải quá lo lắng đến tên lửa chống hạm mà tập trung cho nhiệm vụ tấn công. Điều đó sẽ khiến tàu sân bay trở nên nguy hiểm hơn với các đối thủ tiềm tàng.

Laser năng lượng cao

4 vũ khí giúp tàu sân bay Mỹ ngày càng nguy hiểm ảnh 1

Những khẩu pháo laser sẽ gia tăng sức mạnh cho các tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Vosizneias

Công nghiệp đóng tàu Mỹ đã tạo ra bước đột phá về hệ thống phát điện trên siêu tàu sân bay lớp Ford. Nguồn điện dồi dào trên tàu trước mắt sẽ dùng cho máy phóng điện từ để khởi động máy bay. Nhưng tương lai, hệ thống này có thể dùng làm nguồn phát cho vũ khí laser năng lượng cao.

Mỹ đã chế tạo thành công vũ khí laser năng lượng cao cho mục đích phòng thủ. Hệ thống vũ khí LAWS đang được thử nghiệm trên một số tàu chiến. Về mặt lý thuyết, vũ khí laser có thể giải quyết bài toán đánh chặn tên lửa. Một tàu sân bay với hệ thống phòng thủ laser có thể vô hiệu hóa đợt tấn công hàng loạt của tên lửa hành trình, hay tên lửa đạn đạo.

Hệ thống phòng thủ laser kết hợp với phương tiện phòng thủ tích hợp MOKV sẽ tạo nên chiếc ô nhiều lớp đảm bảo an toàn cho hàng không mẫu hạm Mỹ.

Máy bay không người lái

4 vũ khí giúp tàu sân bay Mỹ ngày càng nguy hiểm ảnh 2

Máy bay tấn công không người lái như X-47B (ảnh) sẽ góp phần làm cho tàu sân bay Mỹ trở nên đáng sợ hơn. Ảnh: Northropgrumman

Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công máy bay tấn công không người lái X-47B hoạt động trên tàu sân bay. Sự kiện này mở ra hướng phát triển mới trong các phương tiện tấn công cho hàng không mẫu hạm.

Ưu điểm của các phi cơ không người lái là thời gian hoạt động liên tục nhiều hơn máy bay có người lái. Bên cạnh đó, nó đặc biệt hữu ích trong các nhiệm vụ mang tính nguy hiểm cao cho phi công.

Theo kế hoạch dự kiến, Hải quân Mỹ sẽ phát triển X-47B thành X-47C và đưa vào sử dụng từ năm 2020. Khi đó, các hàng không mẫu hạm sẽ có thêm vũ khí rất lợi hại là các máy bay tấn công không người lái.

Máy bay thế hệ 5 hoặc 6

Về cơ bản, sức mạnh của một tàu sân bay phụ thuộc vào năng lực của chiến đấu cơ mà nó mang theo. Trong thập kỷ tới, các phi cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, F-35C là ngôi sao sáng giá nhất.

4 vũ khí giúp tàu sân bay Mỹ ngày càng nguy hiểm ảnh 3

F-35C sẽ là tiêm kích chủ lực của hàng không mẫu hạm Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: Defencenews

Sự kết hợp giữa chiến đấu cơ mới và máy bay tác chiến điện tử E/A-18 Growler sẽ nâng sức mạnh tấn công trên không của Hải quân Mỹ lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, hải quân cũng đang theo đuổi kế hoạch máy bay chiến đấu thế hệ 6 để duy trì sức mạnh. Những phi cơ mới không chỉ bảo vệ hiệu quả cho nhóm tác chiến mà còn có thể tấn công những mục tiêu được bảo vệ tốt nhất.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG