Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai cho biết, ĐH Lâm nghiệp đã nhận được thông tin dự báo cách đây từ mấy tháng và đã chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo đón số lượng thí sinh được giao là 20.000. Tuy nhiên, ông tiên lượng chỉ có khoảng 16.000 thí sinh đến dự thi.
Ông Tuấn cho biết, thời gian qua, theo khảo sát ở 14 tỉnh phía Tây, chỉ khoảng 50-60% thí sinh của các tỉnh này dự thi liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường vẫn phải thuê trên hợp đồng nguyên tắc đủ số lượng dự kiến. Một số nhà tuyển sinh bộc lộ lo ngại: Các trường không thể chủ động được số lượng thí sinh đến dự thi - có thể ít hơn dự kiến rất nhiều, nhưng các nhà trường vẫn phải thuê đủ phòng thi được giao nên sẽ gây lãng phí lớn.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một cái ảo thứ nhất. Một nhà tuyển sinh phân tích, thí sinh sẽ thi 3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn và thi thêm môn này môn kia trong 8 môn. Các trường, do không chủ động được môn thí sinh sẽ chọn thi nên sẽ phải thuê đủ số lượng cho 4 ngày/8 buổi thi theo số lượng thí sinh, chứ không phải theo môn thi, dẫn đến sự lãng phí lớn thứ 2 cho việc thuê và vận hành các phòng thi!
Kiên quyết ngay từ đầu
Được giao trọng trách thực hiện việc thi cử ở một địa bàn phức tạp từng có nhiều “tai tiếng” là Hà Tây cũ, ĐH Lâm nghiệp bày tỏ sự lo ngại khi được giao trọng trách tổ chức cụm thi số 7, một trong 7 cụm thi dành cho thí sinh của Hà Nội và 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh. Ông Tuấn chia sẻ: Để đảm bảo an toàn, ĐH Lâm nghiệp đã từ chối thuê những địa điểm thi dễ tiếp cận với dân mà ưu tiên thuê địa điểm của những trường chuyên nghiệp.
Về an ninh kỳ thi, ông Nguyễn Văn Tuấn nói: Khâu này sẽ được quan tâm đặc biệt và cương quyết làm chặt từ đầu, từ xa, tránh lộn xộn xảy ra. Thí sinh đi xa nhất của cụm thi này là di chuyển 80 km, từ huyện Mai Châu, Hòa Bình và có thể đi về thuận tiện trong vòng 2-3 tiếng, ông Tuấn cho biết.
Phòng thi tuyển sinh đại học năm 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Quy mô lớn, lo an toàn thực phẩm
Theo ông Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang, với quy mô được giao khoảng 30.000 thí sinh, cơ sở trường lớp trong nội ô thành phố Long Xuyên là không đủ, nên ĐH An Giang sẽ mở rộng khu vực thi ra các huyện lân cận với bán kính khoảng vài chục km và chọn những địa điểm không phải đi qua sông.
Với số lượng người đến thi đông như vậy trong 4 ngày, ông Quảng cho biết, trường sẽ huy động kêu gọi xã hội hóa để các nhà dân, cơ sở tôn giáo, hệ thống khách sạn tham gia ủng hộ kỳ thi với hình thức miễn phí hoặc giảm giá. Ông Quảng bộc lộ sự lo lắng: Kỳ thi sẽ tập trung số lượng người đông, các vấn đề an ninh, giao thông, ăn ở, an toàn thực phẩm có thể có sự cố khó lường hết. Vì vậy, ông Quảng cho biết, nhà trường sẽ phối hợp với địa phương, các ban ngành liên quan để đề phòng mọi tình huống.
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp, băn khoăn: Từ trước đến nay nhà trường mới chỉ tổ chức cho 19.000 thí sinh, nay là cụm thi cho 2 tỉnh với trên 30.000 người và khâu lo nhất là đảm bảo an ninh trật tự, đi lại cho thí sinh về Đồng Tháp. Số lượng thí sinh đông cũng đòi hỏi lực lượng coi thi và chấm thi lớn. Ông Bản nói: “Nam bộ nhìn chung là nơi thi cử nghiêm túc, ngày thi tốt nghiệp, cha mẹ học sinh không đến nhiều. Tuy nhiên, kỳ thi này còn để xét tuyển vào ĐH, các gia đình có thể sẽ đến - đó cũng là một nỗi lo mới”.