Khu Tư, tứ tấu bè trầm - Kỳ II:

Mãi là “Ngày Bắc Đêm Nam“

Ông Lê Kim Dĩ ở Nghĩa trang miền Nam
Ông Lê Kim Dĩ ở Nghĩa trang miền Nam
TP - Trong kho tàng tiếng Việt có thành ngữ tức tưởi Ngày Bắc Đêm Nam để gọi để chỉ thời 1954-1975. 

Thời Bắc Nam chia cắt ấy, những cán bộ, những người lính từ vĩ tuyến 17 trở vô, ban ngày bấn bíu sự vụ công tư này khác đành một nhẽ, nhưng cứ đến đêm hình ảnh quê hương lại dồn tụ ập về.

Sau 1975, thành ngữ đó đã nhạt, đã mất nhưng những người không may phải nằm lại đất Bắc thì vẫn mãi mãi và thăm thẳm là ngày Bắc đêm Nam.

Đến thành phố Đồng Hới, trước khi dự Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ TNXP và bộ đội hy sinh ở Đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi được dẫn vào Nghĩa trang miền Nam để thắp hương.

Nghĩa trang miền Nam?

Tôi tạm tin vào con số mà ông bạn đồng nghiệp Huỳnh Dũng Nhân cung cấp. Cả thảy có 140 ngàn cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong số đó có 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ chiến sĩ, 5.922 học sinh sinh viên, 1.443 gia đình cán bộ. Họ đã được các tàu của Ba Lan, Liên Xô đưa ra tập kết ở Thanh Hóa và nhiều ngả khác để ra Bắc.

Số cán bộ, bộ đội sau khi an dưỡng, học tập đã được phân bổ về các ngành các tỉnh trong khắp nước, trở thành một lực lượng bổ sung cho đội ngũ cán bộ để vài năm sau trở lại chiến đấu trên chiến trường
miền Nam.

Ở tỉnh Quảng Bình có hàng trăm người là dân Quảng Trị trở vào đến cực Nam Trung bộ. Người Nam bộ và miền Tây rất ít. Cũng có cả những thương bệnh binh.

Năm tháng qua đi, cuộc chiến tranh vệ quốc mỗi ngày một ác liệt khắp cả hai miền Nam Bắc. Biết bao nhiêu những cô bác anh chị, trong đó có người cao tuổi, thương bệnh binh nặng đau đớn bâng khuâng nhìn vào bàn tay của mình mà ngày nào đã nhất loạt giơ hai ngón tay lên- ý 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước - trở về quê hương. Và trong số đó, nhiều cán bộ đã mãi mãi nằm lại mảnh đất Quảng Bình do tuổi cao sức yếu, do tật bệnh, vết thương tái phát và cả bom đạn Mỹ.

Những năm đầu 1960, một nghĩa trang có tên là Nghĩa trang cán bộ miền Nam tập kết hoặc gọn hơn là Nghĩa trang miền Nam đã được hình thành ở thôn Lộc Ninh thị xã Đồng Hới. Những cụ tuổi cao về cõi, thương bệnh binh và liệt sĩ chống Mỹ người miền Nam đã lần lượt được cơ quan chức năng của tỉnh đưa về nằm ở đây, được mai táng chung ở một khu vực để hương khói và sau này người thân dễ tìm kiếm. Sau nhiều năm, nghĩa trang này đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

 Mãi là “Ngày Bắc Đêm Nam“ ảnh 1

Nghĩa trang miền Nam ở Đồng Hới

Anh em ruột nhà ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư phát triển BIDV hẳn là những vị hằng tâm hằng sản? Ông anh ông Trần Bắc Hà nguyên là Cục trưởng Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ (trước công tác ở TƯ Đoàn) tình cờ trong một lần đọc tờ báo trên máy bay phản ánh Nghĩa trang miền Nam ở Đồng Hới xuống cấp nghiêm trọng. Ông đã bàn với ông em ở BIDV và ông bạn là chủ Công ty Golf Long Thành. Một ông bạn khác nữa là chủ Công ty Cổ phần Khoáng sản - Năng lượng An Phú. Đâu như mỗi ông góp một ít, được hơn 500 triệu làm kinh phí tu bổ nghĩa trang.

Tháng 7 năm 2012 thì phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình khởi công. Sau 2 tháng tích cực thi công, hàng rào, cổng ra vào nghĩa trang và 80 phần mộ đã được xây dựng tu bổ.

Sau khi dâng hương tôi đứng với người trông coi nghĩa trang là ông Lê Kim Dĩ năm nay đã trên 80 nhưng còn mạnh. Ông vốn là người Quảng Trị tập kết ra đất Quảng Bình và 60 năm qua vẫn trụ ở Quảng Bình. Trong làn khói hương bảng lảng, ông Dĩ như mạch nguồn của một câu chuyện buồn. Vị trí kia là nơi an nghỉ của cụ Nguyễn Xuân Luyện nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị tập kết ra Bắc mất năm cụ 82 tuổi. 

Người cao tuổi nhất trong 80 phần mộ là cụ Trương Hiển Hoài Nhơn Bình Định sinh 1892 mất 1966. Còn kia là vị trí phần mộ của 4 chiến sĩ Hải quân quê ở Quảng Trị hy sinh thời điểm chiến đấu với máy bay Mỹ ở cảng Gianh. Hài cốt đã được người thân đưa về quê.

Có một ngôi mộ đặc biệt là của chị Nguyễn Thị Bạch Cúc quê ở Quảng Ngãi. Tập kết ra Quảng Bình, chị tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nước năm 1966 và lại về Đồng Hới công tác. Là tự vệ thị xã Đồng Hới, chị hy sinh trong một trận đánh trả máy bay Mỹ. Chị được an táng ở đây. Sau giải phóng ít lâu, người nhà đưa chị về quê. Việc không nói nữa. 

Nhưng sau thời điểm quy tập, người thân từ Quảng Ngãi đột ngột trở ra, khẩn khoản đề nghị ông Dĩ lập cho một ngôi mộ gió. Người thân chị cho biết là chị thường về nói là rất nhớ đồng đội anh em đương nằm ở Quảng Bình. Ông Dĩ bất đắc dĩ phải làm theo. Ông cũng yên tâm khi trong Quảng Ngãi báo ra là từ thời điểm lập mộ gió, việc phần âm nhà ấy tự nhiên yên ổn!

 Mãi là “Ngày Bắc Đêm Nam“ ảnh 2

Nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi, thành phố Vinh

Thắp thêm nén hương lên ngôi mộ gió chị Nguyễn Thị Bạch Cúc, ông Dĩ cũng cho biết thêm, hôm khánh thành nghĩa trang sau tu bổ, các nhà tài trợ hảo tâm còn gửi tặng gần 100 triệu đồng để địa phương hương khói hàng năm ở nghĩa trang.

Có bao nhiêu nghĩa trang miền Nam hiện còn trên đất Bắc và có được may mắn như ở Đồng Hới, Quảng Bình? Hôm ra Bắc dừng lại ở thành phố Vinh, cũng là nhân chuyện vãn chuyến đi, tôi đã giật thột khi đồng nghiệp Quang Long ở Nghệ An cho biết, có một nghĩa trang miền Nam hoang phế ngay tại thành phố Vinh.

Chuyện Quang Long thì dài, nhưng vắn tắt từ năm 1954, Nghệ An đã có một Bệnh viện miền Nam được thành lập để chăm sóc sức khỏe cho những thương, bệnh binh, cán bộ chiến sỹ từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Bệnh viện miền Nam xây dựng trên vùng đất có tên hơi lạ, Dăm Mụ Nuôi thuộc xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Nhiều cán bộ, bộ đội do tuổi già sức yếu, tình trạng thương tật cùng hoàn cảnh khác nhau lần lượt qua đời. Có thời điểm Nghĩa trang Hưng Dũng gần Bệnh viện miền Nam là nơi yên nghỉ gần 300 ngôi mộ.

Giật mình khi Quang Long đưa ra số liệu về nghĩa trang. Quảng Trị 19 người, Thừa Thiên Huế 58 người, Quảng Nam 29 người, Quảng Ngãi 16 người, Bình Định 15 người, Phú Yên 3 người, Khánh Hòa 4 người, Bình Thuận 2 người, Mỹ Tho 3 người, Cần Thơ 1 người, Trà Vinh 1 người, Sa Đéc 2 người, Bạc Liêu 1 người, Nam bộ 1 người, Lào 1 người, Campuchia 1 người, quê miền Bắc công tác ở miền Nam 4 người, không rõ quê 20 người, vô danh 91 người.

Bao nhiêu người được là liệt sĩ? Kinh phí không có nên mọi việc tu bổ, xây dựng nghĩa trang, nối mạng xác minh thân nhân người nằm dưới mộ, chăm sóc các ngôi mộ ở nghĩa trang miền Nam, vượt quá khả năng của một phường như Hưng Dũng?

Về Hà Nội lại nối thêm một chuyện buồn. Ông bạn đồng nghiệp ở chương trình Trở về từ ký ức bên Truyền hình khi nghe phàn nàn về sự hoang vắng lạnh lẽo ở nghĩa trang miền Nam tại thành phố Vinh đã… hào phóng chuyển hẳn cho một danh sách… buồn! Đó là danh sách 59 chiến sĩ được quy tập về Nghĩa trang An Thái (Phú Thọ) mà chưa có thân nhân thăm viếng do Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 305 gửi đến Trở về từ ký ức.

59 chiến sĩ này gốc là Đội Du kích Ba Tơ (sau thành lập Sư đoàn bộ binh 305 thuộc Liên khu 5). Năm 1954, đơn vị tập kết ra Bắc, huấn luyện ở Thậm Thình - Phú Thọ, để chuẩn bị quay trở lại giải phóng miền Nam. Nhưng có nhiều chiến sĩ sau đó không đủ sức khỏe, nên chuyển sang làm kinh tế: đơn vị phân về các Nông trường chè Đồn Vàng (huyện Thanh Sơn), Nông trường chè Vân Lĩnh (huyện Thanh Ba) và Khu công nghiệp Việt Trì - Supe Phốt phát Lâm Thao.

59 chiến sĩ, có người là liệt sĩ hy sinh thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc khi chiến đấu bảo vệ công/ nông trường, số khác mất vì ốm trong thời gian công tác. Các chiến sĩ chưa lập gia đình ngoài Bắc, và khi mất địa phương có báo về quê trong Nam nhưng không thấy hồi âm.
Dòng cuối danh sách là một lời nhắn

Nếu nhận ra tên tuổi người thân của mình, các gia đình hãy liên hệ với Ban liên lạc F305 ở Phú Thọ: Cựu chiến binh Hoàng Anh Phú – 0987344758.

59 chiến sĩ Sư đoàn 305 an táng ở nghĩa trang An Thái - Tp. Việt Trì - Phú Thọ

Họ và tên

Quê quán

Đơn vị

Mất

1

Đặng Gừng

E210

2

Võ Tấn Biếc

Quảng Nam

E210

3

Phạm Văn Giới

E210

4

Nguyễn Chí Diệu

E210

5

Nguyễn Đức Hải

Ninh Khánh - Khánh Hưng - Khánh Hòa

E210

1974

6

Trần Giai

Đại Ninh - Đại Lộc - Quảng Nam

E210

1964

7

Đặng Giang

E210

8

Đặng Ngọc Tân

E210

9

Nguyễn Văn Khoa

Minh Hòa - Khánh Hòa

E210

1976

10

Nguyễn Văn Nên

Phú Yên

E210

1986

11

Lê Hồng Thao

E210

12

Lê Cang

E210

1982

13

Nguyễn Vĩnh Thanh

Tư Nghĩa - Quảng Ngãi

E210

1969

14

Phan Văn Diệu

E108

1989

15

Võ Hồng Đào

E108

1986

16

Nguyễn Thị Lan

Đức Bồn - Đức Thọ - Hà Tĩnh

E210

1990

17

Nguyễn Kiên

E210

18

Lê Văn Chương

Nghĩa Hành - Quảng Ngãi

E108

1990

19

Nguyễn Văn Nho

Tiên Phước - Quảng Nam

E108

1992

20

Nguyễn Ngọc Tăng

Bình Sơn - Quảng Ngãi

E108

1986

21

Vô Danh

E210

1961

22

Nguyễn Văn Phúc

Tam Kỳ - Quảng Nam

E108

1976

23

Trần Ngọc Xuân

Nghĩa Hành - Quảng Ngãi

E108

24

Nguyễn Ngọc Nam

Quảng Nam

E210

25

Nguyễn Quang Chức

Quảng Ngãi

E108

26

Nguyễn Văn Qua

Quảng Ngãi

E108

27

Phạm Văn Tới

TX Hội An - Quảng Nam

E108

1967

28

Lê Tạc

Quảng Ngãi

E108

29

Hoàng Thế Long

Quảng Ngãi

E96

30

Nguyễn Bá Lộc

Bình Định

E96

31

Trần Văn Lâm

Phù Cát - Bình Định

E108

1972

32

Nguyễn Gạo

Tam Kỳ - Quảng Nam

E108

1964

33

Nguyễn Huých

Tịnh Thư - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

E108

1991

34

Lê Xuân Quang

Chợ Mới - Long Xuyên

E96

1969

35

Hoàng Nhơn

Điện Bàn - Quảng Nam

E96

1959

36

Phan Chơn Nhơn

An Tín - Hoài Nhơn - Bình Định

E96

1958

37

Nguyễn Văn Quang

Tp.HCM

E96

38

Nguyễn Xuân

Tịnh Minh - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

E108

1967

39

Nguyễn Ngoạn

Điện Bàn - Quảng Nam - Đà Nẵng

E108

1973

40

Huỳnh Điểu

Phú Thường - Đức Phổ - Quảng Ngãi

E108

1973

41

Phan Tấn Hoài

Nghĩa Hà - Tư Nghĩa - Quảng Ngãi

E108

1967

42

Đường Minh Tuấn

An Nhơn - Hoài Nhơn - Bình Định

E96

43

Lê Trại

Hoài Sơn - Hoài Nhơn - Bình Định

E96

1959

44

Nguyễn Văn Khảm

E96

45

Nguyễn Văn Sanh

E96

1960

46

Đoàn Bích Ních

Đức Tân - Mộ Đức - Quảng Ngãi

E96

1960

47

Nguyễn Hồng Sanh

Chí Hòa - Phú Yên

E96

48

Trần Ngọc Đắc

Hoài Sơn - Bình Định

E96

49

Nguyễn Văn Cải

Tân Phước - Gò Công Đông - Tiền Giang

E96

2000

50

Trần Gạo

Nghĩa Hưng - Tư Nghĩa - Quảng Ngãi

E108

1963

Ngoài ra còn 9 liệt sĩ khác của E210 và E96 mà mộ chí không còn tên tuổi khi cải táng.

Nếu nhận ra tên tuổi người thân của mình, các gia đình hãy liên hệ với Ban liên lạc F305 ở Phú Thọ: Cựu chiến binh Hoàng Anh Phú – 0987344758.

Còn nữa
Tiết Ngâu năm Ngọ
MỚI - NÓNG