Đưa nghệ thuật truyền thống vào artbook song ngữ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng chung niềm yêu thích và đam mê nghiên cứu các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, một nhóm bạn trẻ ở TPHCM đã cho ra đời dự án artbook (sách nghệ thuật) song ngữ Việt - Anh “Gánh hát lưu diễn muôn phương”, gây được sự thu hút của giới trẻ.

"Gánh hát lưu diễn muôn phương” là quyển sách lần lượt giới thiệu 30 nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu như dân ca quan họ, hát xoan, ca trù, múa rối nước, chèo, chầu văn, hát xẩm... Và 6 lễ hội dân gian gồm Tết Nào Pê Chầu, lễ Cấp Sắc, hội Gióng, Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Lễ hội Ok Om Bok, trò chơi kéo co. Sách được trình bày dưới hình thức artbook song ngữ Việt - Anh nhằm đưa cuốn sách đến với nhiều độc giả trong và ngoài nước, tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa Việt tới bạn bè thế giới. Ngoài ra, có thêm nhiều tranh màu đẹp mắt, minh họa sinh động, gần gũi và chân thực của các loại hình nghệ thuật được nhắc đến.

Cùng với sách artbook, dự án cũng giới thiệu postcard (bưu thiếp) về 36 loại hình nghệ thuật, đồng thời ra mắt bộ flashcard (thẻ thông tin) và các trò chơi nhỏ liên quan đến nội dung quyển sách để độc giả trẻ có thể tải về chơi cùng bạn bè. Bên cạnh đó, người đọc sẽ nhận thêm tấm bản đồ A3 đánh dấu trải nghiệm 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian Việt Nam... Đây là những sản phẩm sáng tạo nhằm thu hút người trẻ khám phá truyền thống.

Đưa nghệ thuật truyền thống vào artbook song ngữ ảnh 1

Hồ Phương Thảo - tác giả của “Gánh hát lưu diễn muôn phương”

Sách do tác giả Thảo Hồ biên soạn nội dung, Ngô Mỹ Triều Giang biên dịch và Tấn Nguyễn minh họa. Thảo Hồ cho biết, từ nhỏ, cô đã rất thích xem cải lương. Mỗi lần có đoàn văn nghệ về tỉnh, cô đều xin mẹ đi xem trực tiếp. Khi trưởng thành, có cơ duyên đi công tác nhiều nơi, cô càng quan tâm hơn các lễ hội hay loại hình diễn xướng đặc trưng của từng vùng miền. Nhận ra sự độc đáo, thú vị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, cô gái sinh năm 1992 ấp ủ việc thực hiện một dự án để quảng bá nét đẹp văn hóa này. Cách đây hai năm, Thảo đã ngỏ lời hợp tác với họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn để minh họa cho dự án.

Đưa nghệ thuật truyền thống vào artbook song ngữ ảnh 2
Nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian được minh họa đẹp mắt, thông tin dễ hiểu

Cũng theo Thảo, ý tưởng ban đầu của nhóm chỉ là tìm hiểu, minh họa một số loại hình nghệ thuật diễn xướng cơ bản như: Cải lương, kịch, rối nước, hát bội... và một vài loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng như chèo, xẩm, ca trù... Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện dự án vào năm 2019, nhóm đã cảm thấy bất ngờ về sự đồ sộ và đa dạng của các loại hình nghệ thuật diễn xướng trải dài từ Bắc xuống Nam.

Những loại hình nghệ thuật này được các dân tộc khác nhau duy trì và phát triển, mỗi vùng một đặc trưng, mỗi dân tộc một khác. Các bài hát, làn điệu, luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân địa phương ấy, mang câu chuyện và niềm tin của dân tộc đó. Đặc biệt, một số loại hình đã được UNESCO ghi danh. “Lúc đầu, nhóm dự kiến đưa vào artbook khoảng 12 loại hình, sau đó tôi lại cảm thấy tiếc vì có một số loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian rất hay, rất lạ hoặc rất huyền ảo. Và vì tiếc nên cứ tìm hiểu thêm được loại hình nào lại muốn bổ sung, dần dần lên tới 36 loại hình khi nào không hay” - Thảo cho hay.

Về quyển sách “Gánh hát lưu diễn muôn phương”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh nhận xét: “Đề tài cuốn sách lạ và hay, giải thích ngắn gọn nhưng đầy đủ, hình minh họa đẹp, nói lên được đặc thù của từng bộ môn”.

Nói về những khó khăn của dự án, họa sĩ Hoàng Tấn chia sẻ: “Vì dự án được chạy trong khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở TPHCM nên nhóm khá vất vả, nguồn tư liệu lại ít ỏi nên vừa làm vừa mò mẫm. Áp lực lớn nhất của tôi là vẽ chi tiết áo quần sao cho lộng lẫy, bắt mắt nhưng phải chuẩn xác như đời thực”.

“Công việc biên tập nội dung không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi dịch ra tiếng Anh các thuật ngữ dân gian đặc trưng như “đào”, “kép”, “trống chầu” hay các loại nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam khiến mình khá đau đầu. Và khó khăn nhất là việc chọn tên tiếng Anh cho cuốn sách”, biên dịch Triều Giang chia sẻ thêm.

Các thành viên trong nhóm đều khiêm tốn khẳng định cuốn sách không có tính nghiên cứu khoa học, mà chỉ đơn thuần là sản phẩm của hành trình tìm hiểu, khám phá và cảm nhận của cá nhân. Dù vậy, nhóm hy vọng tập sách sẽ mang lại những kiến thức cơ bản và là niềm cảm hứng để độc giả thêm yêu các loại nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian truyền thống của Việt Nam.

“Để thông tin dày dặn, chúng tôi đã gặp các chuyên gia như Nghệ sĩ cải lương Bạch Long, anh Phan Khắc Huy (đồng sáng lập dự án Vang vọng trống chầu), chú Nguyễn Tuấn Khanh (tác giả sách Bước đường của cải lương) nhờ tư vấn. Còn với các loại hình nghệ thuật diễn xướng ở các vùng miền khác thì nhóm tìm hiểu qua sách, các trang web về di sản văn hóa phi vật thể... Sắp tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tôi sẽ đến tận nơi để thưởng thức từng loại hình nghệ thuật diễn xướng hoặc lễ hội dân gian trực tiếp”, Thảo Hồ khẳng định.

MỚI - NÓNG