Bảo tàng mini từ phế liệu
Nguyễn Hữu Quyết (SN 1998) hiện là giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh vẫn miệt mài thu gom phế liệu như giấy, thùng xốp, chai nhựa,... rồi làm sạch, lưu kho. Có thứ anh biến thành chậu cây, hộp bút... tặng các trường mầm non để trang trí. Có thứ anh dùng để phục vụ việc giảng dạy.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), thuyết trình về “Bảo tàng mini” trong cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” năm 2021. - Ảnh: Xuân Tùng |
Những sản phẩm đã trở nên quen thuộc nơi anh giảng dạy là mô hình về bản đồ Việt Nam; sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng bìa cát tông, chai nhựa; mô hình lịch sử phát triển loài người bằng xốp và bã kẹo cao su; mô hình học môn Hóa bằng chai nhựa, thép và bìa...
Không dừng lại làm các mô hình, giáo cụ trực quan sinh động trong giảng dạy, anh Quyết đã xây dựng dự án “Bảo tàng mini” đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông. Không gian của bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống, sa bàn lịch sử, bản đồ, tranh ảnh... Tất cả đều được làm từ rác thải, phế liệu. “Bảo tàng mini” đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” năm 2021 do T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức.
Anh Quyết chia sẻ, việc biến phế liệu thành những vật dụng có ích được khơi nguồn từ những món đồ chơi như chim bồ câu, con rùa... chế tác từ xốp do ông nội tự tay làm tặng. Sở thích này cũng gắn với kỷ niệm cùng các bạn trong lớp tại những kỳ thi đua làm “Kế hoạch nhỏ”; kỷ niệm “Mùa hè xanh” dạy học ở Thái Bình.
Theo anh Quyết, “Bảo tàng mini” mang đến trải nghiệm “hành động và cảm xúc” cho người học, tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh. Người học như khách tham quan, được trải nghiệm và có cái nhìn thực tế từ chính những hình ảnh, vật thể sinh động tại bảo tàng. Những bài học về lịch sử, địa lý học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu hơn.
Lan tỏa sống xanh
Câu chuyện tái sinh phế liệu của anh Quyết không chỉ chuyển tải kiến thức, mà còn lan tỏa cảm hứng, trải nghiệm và hành động ứng phó với biến đổi của môi trường. Trong vai trò Phó Bí thư Đoàn trường, anh Quyết đã có nhiều sáng kiến, phát động nhiều chương trình nhằm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
“Việc hướng học sinh tham gia thu gom, phân loại, tái chế rác thải, giữ gìn vệ sinh trường lớp là cách để các em có hành động cụ thể, thực hành những bài học về bảo vệ môi trường”.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
Anh đã tổ chức hoạt động “30 phút sạch trường, đẹp lớp” vào cuối mỗi buổi học chiều để học sinh thu gom rác thải, trang trí không gian xanh; hoạt động trải nghiệm “ngày thứ Bảy tái chế”, ngày Chủ nhật xanh trồng cây, hoa trong khuôn viên nhà trường...
Đặc biệt, ở cuối mỗi lớp học đều có thùng đựng rác với dòng chữ “Tài sản của học sinh” để có thể tái chế. Đây là nguồn “tài nguyên” để anh Quyết và học trò trổ tài sáng tạo làm ra các sản phẩm phục vụ học tập, giải trí.
Theo anh Quyết, để tái chế phế liệu, tốn công sức nhất là công đoạn xử lý, vệ sinh và phải tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi khô. Còn làm sản phẩm, mô hình lại đòi hỏi sự khéo léo trong cắt ghép tạo hình, đợi màu sơn khô...
“Việc tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là qua các hoạt động này, thầy và trò đã cùng chia sẻ và thực hiện ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh”, anh “Quyết đồng nát” chia sẻ.