Bệnh không lây nhiễm tăng - chi phí dự phòng ít
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết : “Từ năm 2008, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách y tế cho dự phòng nhưng hầu như tất cả các địa phương chỉ dành tỷ lệ 20-25% cho công tác này. Một thực tế khác là hiện nay 70% gánh nặng điều trị đến từ các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến tim mạch, tiểu đường, hô hấp mãn tính, ung thư… nhưng mới chỉ có 12% kinh phí y tế dự phòng dành cho các nhóm bệnh này, còn phần lớn dành cho những bệnh lây nhiễm”.
Hơn 1/3 ca tử vong ở Việt Nam là do các bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, bệnh tăng huyết áp đang gia tăng nhanh chóng và hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Bên cạnh đó, 15,6% số người dân Việt Nam hiện đang bị thừa cân béo phì và tỷ lệ này lại đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.
Các chuyên gia y tế nhận định, phát hiện sớm nguy cơ để dự phòng và điều trị sớm sẽ giúp tăng tuổi thọ và giảm chi phí điều trị. Phải giải quyết tận gốc chứ không phải phần ngọn, tức là phải từ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu với hệ thống bác sĩ gia đình, y tế xã phường… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Sửa luật để phòng bệnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành y tế phải rà soát lại toàn bộ từ hệ thống tổ chức y tế dự phòng từ hoạt động thường quy đến cách thức vận hành, kết nối mạng lưới các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Phải chăng ngân sách trung ương và nguồn lực Nhà nước nên tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh cần huy động tối đa các nguồn lực khác, từ đó xem xét việc phát triển, sử dụng kinh phí của bảo hiểm y tế dành cho y tế dự phòng”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế đã xây dựng các dự án để thực hiện các chiến lược về y tế dự phòng. Kết hợp với hệ thống khám, phát hiện quản lý tại cộng đồng. Còn vấn đề tài chính cũng sẽ phải tính toán, ví dụ như sửa luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) để chi cho khám sàng lọc, phát hiện tại cộng đồng... Hiện nay BHYT không chi trả cho các hoạt động y tế dự phòng”.
Nói đến quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới hệ thống y tế cơ sở với trên 14.000 trạm y tế xã, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn khi có một tỷ lệ rất lớn các trạm y tế cơ sở không được khai thác đúng, hết năng lực. Nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa được giao nhiệm vụ để học tập, làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Ở đây có một phần rất lớn từ cơ chế. Việc tổ chức cứng nhắc theo cấp hành chính khiến nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa người dân phải đi cả ngày đường mới đến được trạm y tế xã. Còn ở đồng bằng, trạm y tế xã được xây dựng khang trang dù người dân có thể đi thẳng đến bệnh viện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ 10-15 phút”. Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải dũng cảm nhìn nhận thực tế nhằm đề ra những giải pháp đổi mới thực sự tâm huyết.