Độc quyền kéo dài
Chị Phạm Thu, trú tại tòa nhà HH1, ngõ 102 Trường Chinh cho biết khi mua nhà và chuyển về đây năm 2014 ở đã có sẵn một đơn vị đến cung cấp các dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp, internet và gia đình không có sự lựa chọn.
Có lẽ do độc quyền nên nhiều khi ti vi đột ngột bị ngắt đường truyền cả ngày cũng không được nối lại. Liên lạc với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì nhận được câu trả lời “Chị thông cảm, phải chờ kiểm tra”, hoặc “cắt ti vi vì nhà chị chưa nộp tiền”. Trong khi đó chưa khi nào bên cung cấp dịch vụ thông báo trước cho gia đình những sự cố này.
Nhiều khu đô thị khác của Hà Nội cũng rơi tình trạng này. Một người dân ở tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La, Hà Đông cho biết, trước đây toàn bộ cư dân phải sử dụng dịch vụ viễn thông do Công ty CMC Telecom cung cấp.
“Việc phải sử dụng trọn gói hết sức bất cập vì chúng tôi muốn có được dịch vụ internet tốt hơn, muốn đổi sang dùng của FPT cũng không được”. Chị Nguyễn Thị Hà, tòa nhà F5, khu đô thị Yên Hòa cho biết, đường truyền viễn thông nhiều lúc gặp sự cố gây phiền toái, khó chịu ảnh hưởng cả đến công việc của chị. “Chúng tôi có lẽ phải trọn đời sử dụng dịch vụ của Viettel. Chúng tôi cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn chứ”, chị Hà nói.
Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, Hội nhiều lần nhận được khiếu nại liên quan đến tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông tại các tòa nhà chung cư. Có trường hợp khi đầu tư xây dựng thì nhà đầu tư kêu gọi thêm các nhà đầu tư thứ cấp như đầu tư mạng viễn thông để giảm chi phí.
Vì vậy, dễ dẫn đến nhà đầu tư viễn thông được độc quyền cung cấp dịch vụ tại tòa nhà. Họ không biết hoặc quên rằng, trong hợp đồng bán căn hộ chung cư thì hạ tầng cung cấp dịch vụ như gas, điện, nước, viễn thông, truyền hình là của cư dân tòa nhà và cư dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.
Có khả thi?
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND. Trong đó, quy định hệ thống cáp viễn thông tại 1 tòa nhà phải được thiết kế có đủ dung lượng để ít nhất 2 doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp thêm dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng. Theo ông Vương Ngọc Tuấn, thành phố ban hành văn bản này đang hướng đến tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp viễn thông, tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Công ty Luật Châu Á cho rằng, quy định thiết kế hộp cáp viễn thông đảm bảo ít nhất 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho cư dân tòa nhà là một tiến bộ.
Tuy nhiên, quy định này vẫn có thể bị lách luật bởi trường hợp chủ đầu tư thiết kế hộp cáp viễn thông cho đúng 2 doanh nghiệp vào cung cấp dịch vụ như vậy chủ đầu tư không sai so với quy định.
Nhưng nếu vậy cư dân tòa nhà chỉ được lựa chọn dịch vụ của một trong 2 doanh nghiệp đó mà không được lựa chọn doanh nghiệp khác. Một lo ngại khác, đó là quy định này thiếu chế tài cần thiết, giả sử chủ đầu tư tòa nhà không thực hiện đúng thì trách nhiệm ra sao?