Bị can Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. |
Ngày 25/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang làm việc với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) để điều tra vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Công an TPHCM khẳng định bà Hằng thường xuyên thực hiện các buổi livestream trên Facebook, Youtube thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đồng thời, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.
Một nguồn tin cho biết, Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, xác minh làm rõ các hành vi của bà Hằng cũng như vai trò những người liên quan, trong đó có đội ngũ giúp 'hậu cần' giúp bà Hằng thực hiện các buổi livestream, khách mời có phát ngôn trong các livestream của bị can để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Công an khám xét nhà riêng của bà Hằng trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TPHCM. |
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đỗ Trúc Lâm (hãng luật Lâm Trí Việt, Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, hiện cơ quan Công an đã khởi tố bị can và tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng và trong quá trình điều tra, Công an sẽ làm rõ hành vi của những người liên quan. Trong đó, cơ quan chức năng sẽ rà soát lại các buổi livestream của bị can Hằng, những hành động, ngôn ngữ, vai trò của những người liên quan trong suốt khoảng thời gian vừa qua; đồng thời, đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, tổ chức cá nhân để làm căn cứ xử lý.
"Đối với người có hành vi tổ chức, lập kế hoạch thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ được xác định là người chủ mưu, cầm đầu. Những người thu thập, chuẩn bị tài liệu mà không xác thực hoặc dùng thông tin tài liệu giả để phục vụ cho buổi livestream nhằm giúp sức cho hành vi phát ngôn xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp, danh dự uy tín của cá nhân, tổ chức sẽ bị xem xét, xử lý với vai trò đồng phạm", luật sư Đỗ Trúc Lâm phân tích.
Còn đối với các Youtuber, Facebooker thực hiện các buổi livestream "ké" hoặc chia sẻ các clip của bị can Nguyễn Phương Hằng, luật sư Đỗ Trúc Lâm cho rằng, tùy theo mục đích, tính chất của mỗi video, clip, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý về hành vi phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM cho hay, quá trình điều tra Công an sẽ làm rõ vai trò của những người liên quan xem có giúp sức cho bà Hằng hay không, có bàn bạc với bị can để thực hiện các hành vi nói xấu, xúc phạm danh dự người khác hay không.
"Bằng mắt thường có thể thấy có dấu hiệu giúp sức trong đó nhưng để cho khách quan, công bằng thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, lấy lời khai của những người đó để làm rõ. Nếu có hành vi bàn bạc, tổ chức, giúp sức cho bà Hằng thực hiện các buổi livestream thì sẽ là đồng phạm", luật sư Hùng nói.