Tất cả những thành viên Hoàng gia rời bỏ mái ấm Hoàng gia và thành lập gia đình riêng đều mất mọi đặc quyền đặc lợi nói trên. Chẳng hạn, nếu công chúa lấy chồng là người bình thường và đi đến một buổi lễ long trọng nào đó của Hoàng gia, công chúa vẫn sẽ có đội bảo vệ tháp tùng. Thế nhưng, nếu công chúa đi đâu đó để giải quyết việc riêng, tuy vẫn có thể có đội bảo vệ nhưng đó là đội bảo vệ thuê của công ty tư nhân và chi phí do gia đình mới của công chúa chi trả.
Còn có một nhân vật nữa được sử dụng xe công là Thủ tướng. Trong thời gian tại chức, Thủ tướng có đội bảo vệ riêng và xe riêng do ngân sách Nhà nước chi trả.
Tuy nhiên, khi đi lại ngoài phố, xe riêng của cả Nhật hoàng lẫn Thủ tướng đều không được phép sử dụng đèn nhấp nháy. Nếu bất ngờ xảy ra tắc đường, xe của họ cũng phải đứng chờ như mọi người dân.
Cũng vì sợ tắc đường nên Nhật hoàng và đương kim Thủ tướng được hưởng một đặc quyền nữa là sử dụng máy bay lên thẳng để đi đến những hội nghị đặc biệt quan trọng. Đương nhiên đây cũng là máy bay lên thẳng của Nhà nước và vì thế cũng có thể coi là một loại “xe công”.
Tuy nhiên, cả Nhật hoàng lẫn Thủ tướng đều bị hạn chế trong việc lựa chọn. Tại Nhật có một quy định bất thành văn bản, không được ghi trong bất kỳ đạo luật nào nhưng lại được tuân theo một cách nghiêm ngặt vì thể hiện tinh thấn ái quốc: Đó là các quan chức chỉ có thể sử dụng các loại phương tiện giao thông do chính nước Nhật sản xuất. Trong những năm gần đây, vị chính khách duy nhất “dám” vi phạm quy định đó là ông Junichiro Koizumi, Thủ tướng Nhật trong thời gian từ 2001 đến 2006.
Các Bộ trưởng đều phải đi xe riêng. Khi cần thiết (chẳng hạn khi đi công tác nước ngoài), các Bộ trưởng hoặc các nghị sĩ có thể đi máy bay nhưng chỉ được thanh toán loại vé ở khoang tiết kiệm. Hơn nữa, ưu tiên vẫn dành cho các hãng máy bay Nhật.
Nếu đó là chuyến đi riêng của các nghị sĩ (một phái đoàn nghị sỹ Nhật thăm Mỹ chẳng hạn), chi phí do đảng mà họ đại diện chịu
trách nhiệm.