Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 3/11, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội cho rằng, vấn đề khoán xe công đã được bàn và thảo luận trong một thời gian dài. Hiện Chính phủ đưa ra phương án như người có tiêu chuẩn được đưa đón bằng xe công thì sẽ thực hiện khoán phần kinh phí đó đưa vào lương. Cách làm đó cũng thuận lợi, giúp giảm chi phí bảo dưỡng, xăng xe và có thể giảm cả biên chế hợp đồng lái xe. Tính trên cơ sở Nhà nước phải bỏ ra với việc khoán thì khoán xe công tiết kiệm hơn rất nhiều.
“Qua ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết về ngân sách có một ý là giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công cho một số chức danh. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới, tiết kiệm chi tiêu và là một bước khởi đầu để sau này khi cải cách tiền lương có tính toán cơ cấu trong lương phần chi phí cho người được tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Nhà nước. Cơ chế khoán có thể áp dụng với người hưởng chế độ đưa đón tương đương Thứ trưởng trở xuống”, ông Hiển nói.
Về đối tượng được áp dụng khoán xe công, ông Hiển cho rằng chỉ áp dụng với một số chức danh nhất định (có thể tính toán áp dụng với người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở xuống) và không phải với tất cả các loại xe công. “Xe công còn có xe cứu thương, xe chở rác, xe công an, xe quân đội… Cái đó không thể khoán được mà là hoạt động có tính chất thường xuyên của Nhà nước để thực hiện việc quản lý quốc gia cũng như phục vụ. Cái đó chỉ tiết kiệm bằng quản lý xăng xe để cho các loại xe được sử dụng đúng mục đích, đúng nhiệm vụ và tiết kiệm ở mức cao nhất”, ông Hiển cho biết thêm.
Ông Hiển khẳng định, nếu đưa nội dung “khoán xe công” vào Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách, có nghĩa mang tính bắt buộc và thực hiện ngay từ năm 2016. “Dự thảo Nghị quyết nếu được các đại biểu thống nhất biểu quyết sẽ ghi rõ giao Chính phủ khoán xe cho một số chức danh, còn cụ thể chức danh nào do Chính phủ quy định”, ông Hiển cho hay.
Riêng đối với vấn đề tăng lương, theo ông Hiển, ai cũng mong muốn có được thu nhập và lương cao hơn. Nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn thì chi tiêu liên quan đến tiền lương chúng ta phải hết sức thận trọng, phải tính đến yếu tố cân đối của ngân sách. “Chưa cân đối ngân sách được thì đừng nghĩ chuyện đó vì chúng ta có rất nhiều bài học của các nước rồi. Như Hy Lạp chẳng hạn, trong khi nợ công cao, thu chi ngân sách như vậy mà vẫn tăng lương, tăng phúc lợi xã hội quá mức thì dẫn tới đổ vỡ nợ công. Khi đó thì mất ổn định xã hội, và khi không thực hiện một kế hoạch dài hơn còn khó khăn hơn nhiều”, ông Hiển cảnh báo.