Vụ phá rừng quốc gia làm đường: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cho rằng khi thi công đường Trường Sơn Đông, đoạn qua Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, chủ đầu tư đã gây thiệt hại đến rừng, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tổng tham mưu để giải quyết.
Vụ phá rừng quốc gia làm đường: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự ảnh 1

Tự san ủi để mở đường Trường Sơn Đông qua địa phận Lâm Đồng

Ngày 11/3, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã có văn bản gửi UBND tỉnh này về kết quả kiểm tra, xác minh hiện trường thi công đường Trường Sơn Đông (đoạn tuyến còn lại đi qua tỉnh Lâm Đồng) của Ban Quản lý dự án 46-Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) và đề xuất hướng xử lý.

Trong văn bản kể trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao sở này chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chuyển toàn bộ các hồ sơ tài liệu liên quan đến sai phạm khi thi công Dự án Đường Trường Sơn Đông của Ban Quản lý dự án 46 đến Cơ quan điều tra hình sự – Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, để giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Cũng theo văn bản này, các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng cho rằng việc Ban Quản lý dự án 46 thi công thực hiện Dự án Đường Trường Sơn Đông tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng là sai quy định.

Vụ phá rừng quốc gia làm đường: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự ảnh 2

Dùng xe cơ giới san ủi đường

Bên cạnh đó, quá trình triển khai, Ban Quản lý dự án 46 đã thi công ra ngoài diện tích được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất từ Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho đơn vị làm đường.

Hành vi này đã gây thiệt hại đến rừng vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trước đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã kiểm tra hiện trường xác định Ban Quản lý dự án 46 tác động trên diện tích 4,96 ha, trong đó diện tích trong ranh giới được giao 2,23 ha và diện tích ngoài ranh giới lên tới 2,73 ha (thuộc đất rừng đặc dụng).

Vụ phá rừng quốc gia làm đường: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự ảnh 3

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra hiện trường vụ mở đường qua VQG Bidoup-Núi Bà

Trữ lượng thiệt hại trong vụ việc này bao gồm tổng trữ lượng gỗ 187,02m³ và 14.716 cây lồ ô; trong đó trong ranh giới được giao là 74,51m³ và 7.348 cây lồ ô, còn ngoài ranh giới được giao là 112,51m³ gỗ và 7.368 cây lồ ô.

Toàn bộ lâm sản thiệt hại do hoạt động san ủi làm đường đã bị vùi lấp hoặc đã lao xuống vực sâu do đoạn đường đi qua những hiện trạng rừng có trữ lượng thấp, đa số cây gỗ có đường kính nhỏ.

Như báo Tiền Phong đã thông tin, Ban Quản lý dự án 46 tự ý san ủi để mở đường Trường Sơn Đông, đoạn qua VQG Bidoup-Núi Bà, khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, gây thiệt hại rừng ở đây.

Vị trí mở đường thuộc một phần các tiểu khu 22, 26, địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), lâm phần thuộc VQG Bidoup-Núi Bà.

Vụ phá rừng quốc gia làm đường: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự ảnh 4
Lập lán trại để thi công cầu vượt sông Krông Nô

Theo bản đồ theo dõi diễn biến rừng năm 2020 (đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố tại Quyết định số 1009 năm 2021), đoạn đường đã mở đi qua rừng lá rộng thường xanh nghèo, rừng lá rộng rụng lá nghèo, rừng hỗn giao gỗ - lồ ô; rừng hỗn giao lồ ô - gỗ và đất khác.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.