Ngày 15/2, PV Tiền Phong đã có chuyến đi thực tế đến hiện trường vụ hủy hoại rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin để làm đường Trường Sơn Đông.
PV đã vượt hàng trăm cây số từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sang TP Đà Lạt (Lâm Đồng) rồi dọc theo đường độc đạo Trường Sơn Đông đến địa phận Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, xã Đưng K’nớ.
Một phần diện tích rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin bị hủy hoại |
Theo ghi nhận, tại hiện trường ở lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, đơn vị thi công đã san ủi hơn 3km đường (đoạn qua Trạm Kiểm lâm Krông Nô (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà). Hiện trường vẫn còn ngổn ngang. Phía mép bờ sông, có nhiều cây gỗ đường kính khoảng 50cm đã khô, vẫn chưa được vận chuyển ra ngoài.
Nhiều cây gỗ đường kính khoảng 30cm còn sót lại ở lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà |
Cuối con đường này, Công ty cầu đường 10 (thi công gói thầu C13, lý trình km625+614) của dự án đã dựng lán trại, huy động phương tiện để làm cầu vượt sông Krông Nô, nối bên kia bờ là Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Gần khu lán trại này, công ty làm cầu đã cho khoan địa chất, tập kết nhiều vật liệu xây dựng, máy phát điện. Tuy nhiên, lán trại này không có ai trông coi.
Lán trại để thi công cầu vượt sông Krông Nô |
Vật liệu xây dựng.... |
.... máy phát điện tại hiện trường làm đường Trường Sơn Đông |
Để qua được địa phận của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, PV đã vượt sông Krông Nô. Ngay bờ sông, đơn vị thi công cũng dựng lán trại để trông coi công trình. Vừa đi vào được khoảng 10m, trước mắt chúng tôi là một đại công trường, nhiều quả đồi (có cây rừng) bị bạt ngang. Cạnh mép ta-luy, có rất nhiều cây gỗ khô (thông, bằng lăng), đường kính khoảng 60cm nằm bật ngửa, bị đất vùi lấp.
Bạt gần nửa quả đồi làm đường, trong đó có nhiều cây rừng |
Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Chư Yang Sin bị hủy hoại |
Nhiều cây rừng bị hủy hoại dọc tuyến đường, nhưng đến nay, tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng chưa xác định được trữ lượng gỗ bị khai thác |
Đi sâu vào bên trong khoảng 2km, xuất hiện lán trại của Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 412. Tại đây, chúng tôi gặp anh Lý Văn Hạnh (18 tuổi) đang được giao nhiệm vụ trông coi tài sản của công ty. Anh Hạnh cho biết được công ty hợp đồng trông coi lán trại, trả 9 triệu đồng/tháng.
Phương tiện san gạt đất của Công ty Cổ phần xây dựng công trình 412 |
Lán trại của Công ty Cổ phần xây dựng công trình 412 dựng ở sườn núi |
Dọc toàn tuyến hơn 7km, đơn vị thi công cũng đã hủy hoại chừng đó diện tích rừng. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng chưa xác định được số gỗ bị khai thác trái phép đã được vận chuyển đi đâu.
Một lượng đất đá khá lớn chèn lấp suối gần lán trại của Công ty Cổ phần xây dựng công trình 412 |
Ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ xác nhận, xã không nắm được thông tin về dự án. “Suốt quá trình làm dự án, chủ đầu tư chưa khi nào liên hệ với chúng tôi. Chỉ có đợt đang thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống COVID-19 vừa rồi, họ mới liên hệ để xin cho người vào công trường khảo sát làm đường. Việc phá rừng của họ nhằm làm đường để vận chuyển vật liệu xây dựng sang làm bên Đắk Lắk”, ông Thân Văn Hữu cho hay.
Ông Thân Văn Hữu trực tiếp đi kiểm tra hiện trường |
Như Tiền Phong đã đưa tin, chủ đầu tư dự án đường Trường Sơn Đông đã phá hơn 15ha rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và 2.000m2 đất rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, tổng chiều dài đã mở hơn 3km.
Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 10.000 tỷ đồng (nguồn trái phiếu), chiều dài toàn tuyến 671km, quy mô chủ yếu đường cấp IV miền núi; bắt đầu từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng. Thế nhưng, đến nay, chủ đầu tư dự án này chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng để làm dự án.
Dự án đường Trường Sơn Đông hủy hoại nhiều diện tích rừng |
Liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, Sở NN&PTNT 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng làm văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 46 - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng (chủ đầu tư dự án) dừng ngay hành vi hủy hoại rừng khi chưa được cấp thẩm quyền giao đất để thực hiện dự án.