Ông Bạch Quốc Việt cho biết: Phần lớn các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội có sử dụng cẩu tự nâng (xe cẩu) và cẩu tháp, chủ sử dụng phương tiện đều có báo cáo kiểm định gửi Sở LĐ, TB&XH Hà Nội theo quy định. Tuy nhiên, với hai công trình giao thông trọng điểm sử dụng vốn ODA của quốc gia là dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội lại hoàn toàn không có chuyện này. Đến nay, sau hơn 10 ngày xảy ra vụ đổ cẩu thi công trên địa bàn quận Cầu Giấy, Sở LĐ, TB&XH Hà Nội vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo kiểm định xe cẩu nào của chủ đầu tư cả hai dự án.
Thưa ông, theo quy định khi đưa xe cẩu vào công trình chủ đầu tư phải khai báo thế nào?
Ngoài giấy phép để thi công dự án, chủ công trình phải sử dụng rất nhiều phương tiện máy móc, trong đó có xe cẩu. Tuy nhiên, để các phương tiện, con người được vào công trường hoạt động, ngoài việc phải có các giấy tờ tùy thân như quy định thì còn phải khai báo với cơ quan quản lý. Vì theo quy định, chỉ có ngành LĐ,TB&XH được phép và có nghiệp vụ để nhận biết được phương tiện, con người trên công trường có đủ điều kiện thi công an toàn. Khi các chủ đầu tư báo cáo phương tiện, con người sử dụng trên công trường, Sở LĐ,TB&XH địa phương nơi được báo cáo sẽ biết được công trường đang sử dụng bao nhiêu phương tiện, trong đó có xe cẩu; từ đó sẽ có phương án theo dõi, quản lý hoặc từ chối những phương tiện không đảm bảo.
Trong phương án triển khai dự án đều có quy định rất rõ là chủ đầu tư, nhà thầu phải khai báo với Sở LĐ,TB&XH sở tại chất lượng máy móc và lai lịch, trình độ công nhân. Tuy nhiên, đến nay cả hai công trường ĐSĐT đang triển khai trên địa bàn Hà Nội chưa báo cáo nhưng dự án đã triển khai hơn 5 năm nay. Sở LĐ,TB&XH Hà Nội vẫn không được biết, trên mỗi công trường hiện nay có bao nhiêu xe cẩu, bao nhiêu công nhân, chất lượng thế nào.
ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội.
Vậy theo ông để có báo cáo kiểm định phương tiện, chủ sử dụng cẩu phải làm gì?
Với những xe cẩu kiểm tra chưa có báo cáo kiểm định gửi về sở thì sẽ loại khỏi công trường, với công trường có nhiều phương tiện vi phạm nội dung này thì dừng không cho thi công trở lại.
Trưởng phòng An toàn lao động Bạch Quốc Việt (Sở LĐ, TB&XH Hà Nội)
Cẩu thi công nói riêng và phương tiện tại các công trình xây dựng nói chung là phương tiện đặc thù, chỉ sử dụng cho các công trình xây dựng. Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 30 trung tâm kiểm định chất lượng phương tiện xây dựng của các bộ ngành. Trong đó, có cả các trung tâm của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng… đều nằm dưới sự cấp phép, quản lý của Cục An toàn, Bộ LĐ,TB&XH. Các trung tâm này hoạt động như trung tâm kiểm định ô tô nhưng chỉ chuyên kiểm định phương tiện thi công, trong đó có xe cẩu.
Trường hợp chủ đầu tư không báo cáo như vừa qua, sở có biện pháp gì xử lý?
Sau các vụ tai nạn tại hai dự án ĐSĐT vừa qua, trong đó có một vụ liên quan đến xe cẩu, ngoài dừng toàn bộ việc thi công để kiểm tra, rà soát, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cho thành lập hai đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại hai dự án ĐSĐT và các công trình thi công có sử dụng cẩu, kéo. Với đoàn công tác liên ngành, trong đó có Sở LĐ,TB&XH đi kiểm tra tại công trường các dự án ĐSĐT, sở chủ trương (được thành phố đồng tình), với những xe cẩu kiểm tra chưa có báo cáo kiểm định gửi về sở thì sẽ loại khỏi công trường, với công trường có nhiều phương tiện vi phạm nội dung này thì dừng không cho thi công trở lại.
Sau các vụ tại nạn trước đây, công trường dự án ĐSĐT từng nhiều lần bị dừng kiểm tra và vẫn bỏ lọt báo cáo kiểm định xe cẩu, lần kiểm tra này có gì khác?
Từ thực tế các vụ tai nạn vừa qua, trong đó có cả việc chủ đầu tư không thực hiện các báo cáo như quy định khiến cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội không nắm được số lượng, chất lượng máy móc, công nhân trên các công trường dự án ĐSĐT. Các lần kiểm tra trước diễn ra trên tuyến Cát Linh - Hà Đông và do các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng thực hiện. Đến nay dự án này đã xảy ra ít nhất 3 vụ tai nạn nghiêm trọng và sau đó đều bị dừng để kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, không rõ các cơ quan này rà soát, kiểm tra như thế nào mà quy định chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ GTVT) phải có báo cáo kiểm định xe cẩu với cơ quan quản lý sở tại vẫn bị “bỏ lọt”. Chưa nói đến hàng nghìn người tham gia giao thông phải gặp nguy hiểm mỗi ngày, mà xét ở góc độ chuyên môn, lương tâm nghề nghiệp thì đây là điều không thể chấp nhận được. Các bộ chủ quản phải làm rõ việc này.
Cảm ơn ông.
Cần cẩu, cần trục tháp... nhiều “không”
Kết quả đợt thanh tra an toàn lao động trong xây dựng 6 tháng đầu năm 2015 với 21 nhà thầu có công trình đang xây dựng bị thanh tra cho thấy có 14 nhà thầu vi phạm hành chính. Qua đó, Đoàn thanh tra của Sở LĐ, TB&XH TPHCM đã kiến nghị đình chỉ sử dụng 6 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
“Các nhà thầu vi phạm quy định về an toàn sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trong đó có thiết bị cần cẩu, cần trục như: Không có bản vẽ mặt bằng phạm vi hoạt động của cần trục tháp theo đúng quy định; không đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực xung quanh; không có sổ theo dõi vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thiết bị; không có cửa tầng ra vận thăng tại các sàn tầng; không lắp đặt đầy đủ biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, biển cảnh báo an toàn tại các vị trí nguy hiểm trong công trình; không có hồ sơ quản lý sức khỏe của công nhân làm việc tại công trình….”- đại diện Sở LĐ, TB&XH TPHCM, nói.
Tại biên bản kiểm định thiết bị cần trục tháp mới đây từ sở này cho thấy, không thể hiện chiều cao thực tế của thiết bị, đơn vị lắp đặt không đánh giá khoảng cách an toàn với khu vực xung quanh. Thiết bị thiếu an toàn, trong khi chủ đầu tư công trình lại bỏ ngỏ. Theo ông Nguyễn Quang Khải, thanh tra viên Sở LĐ, TB&XH TPHCM, đối với quản lý dự án thì chi phí an toàn không được coi trọng. Các nhà thầu bỏ qua chi phí an toàn để giá đấu thầu thấp để thắng thầu. Do đó cần kiến nghị quy định phải có chi phí an toàn trong hồ sơ dự thầu của các nhà thầu.
Văn Minh