Nguyên liệu vẫn chủ yếu nhập ngoại
Dù được xếp vào nhóm các lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, song thực chất, lợi nhuận mang lại của ngành dệt may, nhiều năm nay, không cao.
Số liệu từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, năm 2013, ngành dệt may đạt được kim ngạch đáng tự hào, hơn 20 tỷ USD. Nhưng để đạt được con số này, các DN dệt may phải bỏ ra tổng cộng 13,58 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu (như bông, xơ sợi, vải và nguyên phụ liệu khác).
Còn nhìn vào số liệu Bộ Công Thương công bố năm 2013, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may mới đạt gần 47%. Các DN mới chỉ đáp ứng khoảng 2% nhu cầu bông, 1/8 nhu cầu vải, sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm (nhưng chưa phải là sợi chất lượng cao), còn lại phải nhập khẩu.
Vấn đề phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu của ngành dệt may là nhìn thấy được, đã được cảnh báo khi Việt Nam tham gia đàm phán TPP. Bởi nguyên tắc của TPP, để được hưởng ưu đãi về thuế các DN phải chứng minh lô hàng xuất khẩu có xuất xứ nguyên phụ liệu từ sợi trở đi (không tính xuất xứ bông), được sản xuất trong nước hoặc tại các nước thành viên TPP.
Như vậy, thời gian tới, rõ ràng các DN ngành dệt may trong nước không thể thuần túy nhập nguyên liệu và gia công rồi xuất khẩu kiếm lợi như hiện tại. Muốn có lợi nhuận, có sức cạnh tranh cao hơn thì phải tự chủ cả về sản xuất lẫn nguyên phụ liệu. Thế nhưng đến giờ nguyên phụ liệu DN Việt vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan (những nước không tham gia TPP).
Trước đe dọa về sự sống còn, các DN Việt Nam đã “rục rịch” chạy đua chuẩn bị đón TPP, trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tích cực nhất. Năm 2013, Vinatex đã triển khai 42 dự án sợi và dệt, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng. Dù mạnh tay đầu tư nhưng Vinatex cũng chỉ chủ động được gần 60% nguyên phụ liệu cho mình, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Tiếp tục phụ thuộc?
Được coi là lĩnh vực có nhiều cơ hội lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, tuy nhiên, dường như DN nội đang đuối sức thấy rõ so với các DN ngoại thời kỳ tiền TPP.
Trong khi các DN nội còn đang loay hoay tìm thị trường, mải cạnh tranh lẫn nhau, theo số liệu của các địa phương, hàng loạt dự án FDI với số vốn khủng (của DN đến từ các nước không tham gia TPP) đang được đổ vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may.
Cách đây ít ngày, dự án Nhà máy sản xuất sợi của Cty TNHH Dong - IL (Tập đoàn Dong - IL, Hàn Quốc) đã khởi công xây dựng tại Đồng Nai, với vốn đầu tư 52 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), công suất 9.000 tấn sản phẩm/năm. Giữa tháng 5, Cty Huafa Hồng Kông được cấp phép đầu tư dự án nhà máy kéo sợi màu chất lượng cao cung cấp cho các công ty chuyên ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu, tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, tại Long An.
Tỉnh Nam Định cũng vừa làm việc với liên doanh các nhà đầu tư gồm Cty Luenthai, Cty Foshan Sanshui Jialida (Hồng Kông) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam để xây dựng khu công nghiệp chuyên về dệt may. Vốn đầu tư khu công nghiệp khoảng 350 triệu USD (hơn 7.300 tỷ đồng), nhằm phát triển ngành dệt may theo chuỗi cung ứng từ nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - tới sản phẩm hoàn chỉnh.
Trước đó, hồi tháng 3, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (hơn 1.400 tỷ đồng).
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, các DN dệt may đều hiểu khi vào TPP nếu dùng nguyên liệu nhập khẩu sẽ không được hưởng ưu đãi. VITAS đã kêu gọi các DN, đặc biệt DN đã làm nguyên phụ liệu mở rộng sản xuất, đầu tư mới.
“DN mình đã làm rồi nhưng không dễ, do năng lực hiện nay của DN Việt chưa đáp ứng được yêu cầu về vốn, công nghệ, quản trị. Đặc biệt là thiếu nhân lực đáp ứng được yêu cầu”, bà Dung nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các DN FDI đầu tư vào nguyên phụ liệu sau đó bán lại cho các DN Việt để gia công, như vậy cũng không khác nhập khẩu nguyên liệu. “Không tự sản xuất được nguyên liệu, không thiết kế được mẫu mã…
DN Việt sẽ vẫn làm theo đơn đặt hàng, cũng chỉ là gia công như hiện nay. Và như vậy, TPP cũng chưa mang lại gì nhiều cho DN trong nước, chỉ tạo thêm ít công ăn việc làm, ít thuế. Còn lại thì chúng ta vẫn trong cảnh phụ thuộc hoàn toàn. Với cách làm ăn này, doanh nghiệp Việt sẽ không có thế mạnh gì ngoài thế mạnh làm gia công”, ông Doanh nói.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu: Tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2015 đạt 55%, năm 2020 đạt 65% và đạt 70% vào năm 2030. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may nhiều lao động sẽ chuyển về nông thôn; đô thị lớn sẽ tập trung vào thời trang, sản xuất mẫu, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ ngành dệt may.