Vốn không phải là yếu tố quyết định khi khởi nghiệp

Các chuyên gia và đại biểu trao đổi với sinh viên tại buổi tọa đàm.
Các chuyên gia và đại biểu trao đổi với sinh viên tại buổi tọa đàm.
TPO - Để khởi nghiệp thành công yếu tố quan trọng nhất chính là nội lực của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng nguồn vốn không hẳn là yếu tố quyết định. 

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV) tại buổi tọa đàm giữa các chuyên gia với các bạn sinh viên Thủ đô, chủ đề: “Startup, từ ý tưởng đến hiện thực” diễn ra sáng ngày 18/3, tại Hà Nội do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Chương trình nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ I, năm 2016.

Thất bại nhiều hơn thành công

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV), để khởi nghiệp thành công yếu tố quan trọng nhất chính là nội lực của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng nguồn vốn không hẳn là yếu tố quyết định. 

Giải quyết vấn đề vốn, các bạn có thể tận dụng được rất nhiều nguồn khác nhau, từ vay mượn bố mẹ, anh em, bạn bè và tận dụng rất nhiều nguồn lực xã hội khác. Yếu tố quan trọng thứ hai trong khởi nghiệp là trường học. 

“Trường đại học là quỹ đầu tư lớn nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp, và nhà đầu tư thiên thần chính là các thầy cô giáo, các giáo sư, tiến sĩ trên các giảng đường đại học.  Đây chính là cung cấp kiến thức, ươm mầm ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn ra thế giới rộng lớn”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.

Theo Phó Chủ tịch IDGVV Nguyễn Hồng Trường, khởi nghiệp là tạo ra sự đổi mới sáng tạo. “Vì vậy, nếu các bạn sinh viên có ý tưởng hay, thiết thực, chúng tôi sẽ có kênh để biết và tìm đến với các bạn, các bạn không phải tìm đến chúng tôi”, ông Trường nói.

Ông Trường chia sẻ, thực tế Startup rủi ro, thất bại rất lớn, chiếm khoảng 99%. “Đó là sự thật, khởi nghiệp, tái khởi nghiệp, mô hình kinh doanh là vấn đề rất thực tế. Vì vậy, các bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp các bạn phải rất thực tế, hiểu được bản thân có phù hợp với lĩnh vực đang theo đuổi hay không và cần tìm những mô hình phù hợp, không quá khó, quá phức tạp. Thất bại là một kênh tích lũy kinh nghiệm quý báu. Vì vậy khi gặp thất bại không nên nản lòng”, Phó Chủ tịch IDGVV Nguyễn Hồng Trường nhắn nhủ bạn trẻ.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Trường,  PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, trường đại học chính là cái nôi đào tạo khởi nghiệp lớn nhất của các bạn sinh viên. PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ, hàng năm ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên, 2/3 trong số đó tốt nghiệp, tức là có khoảng 4.000 sinh viên ra trường đúng thời hạn, và khoảng 1% trong số sinh viên ra trường, tức là khoảng 40 sinh viên thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Theo thống kê của chúng tôi, chỉ 1/3 số công ty đó sống được sau 3 năm, và 1% trong số đó sống được nhờ ý tưởng hun đúc từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tức là 3 công ty thành lập, chỉ có 1 công ty sống được bằng nghề nghiệp của mình”, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng nói.

Với mục tiêu đưa ĐH Bách khoa trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, thu hút các dự án ươm tạo, khởi nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường chủ trương bổ sung những kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế, khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất đại học. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường nhờ sự kết nối với các bên sử dụng nhân lực, kết nối đa ngành nghề trong lĩnh vực đào tạo. 

ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên xây dựng hệ thống doanh nghiệp của nhà trường BKHolding với hệ thống  doanh nghiệp spin-off. PGS, TS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết, trong thời gian tới trường ĐH Bách khoa sẽ đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên năm đầu; xây dựng đội ngũ giáo viên nguồn hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng BK – Fablab trong khuôn viên trường để sinh viên có thể chế thử các prototype.

Vốn không phải là yếu tố quyết định khi khởi nghiệp ảnh 1

Các bạn sinh viên đặt câu hỏi với chuyên gia.

Đam mê, nhiệt huyết để khởi nghiệp thành công

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Không gian làm việc chung UP, sinh viên là thời điểm khởi nghiệp lý tưởng nhất. Bởi sinh viên là độ tuổi giàu đam mê, nhiệt huyết và đặc biệt có khoảng thời gian rộng lớn để thử thách bản thân.

 Nếu không may gặp thất bại, các bạn sinh viên vẫn còn có nhiều cơ hội và thời gian để làm lại. Đặc biệt, các bạn trẻ cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp. Ông Đỗ Hoài Nam cũng khuyên các bạn trẻ nên tìm cho mình những người bạn cùng chí hướng để cùng thực hiện những ý tưởng mà mình nung nấu.

Anh Trần Quang Hưng, Văn phòng Hỗ trợ khởi nghiệp Thành Đoàn Hà Nội khuyên bạn trẻ khởi nghiệp cần xác định rõ bản thân phải có đủ đam, nhiệt huyết thì mới theo con đường khởi nghiệp. Anh Hưng khuyên các bạn trẻ, để khởi nghiệp thành công, cần nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của ý tưởng, vấn đề pháp lý, xã hội; tìm được những “người thầy tốt” từ thầy cô trên giảng đường, sách vở, bạn bè…

Trước nhiều thắc mắc của bạn trẻ về việc gặp những khó khăn, thiếu thốn, vướng mắc trong khởi nghiệp, anh Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng, không một quốc gia nào trên thế giới có chính sách hoàn hảo cho khởi nghiệp và Việt Nam không phải ngoại lệ. Và các bạn trẻ khởi nghiệp đừng đau đáu vào những điều chưa hoàn hảo đó mà hãy chủ động, sáng tạo, tìm cách khắc phục để khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội.

MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.