Dù biết mười mươi đây là hóa chất độc hại, người ăn vào sẽ dần dẫn đến cái chết nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn làm. Và nói như Bộ trưởng Nông nghiệp - Cao Đức Phát tại Hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên hàng nông lâm thủy sản, “Vụ việc ở Bình Dương phát hiện ra ngâm chuối vào hóa chất thuốc diệt cỏ 2,4 D cho thấy là quá ác, lạnh xương sống”.
Năm 2015, thống kê cho thấy số vụ việc không giảm mà gia tăng; thậm chí, tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả tiếp tục vượt xa mức cho phép. Các hóa chất cấm để “tắm” cho các loại trái cây để chín ép, làm màu đẹp hơn và để được lâu hơn tiếp tục được sử dụng tràn lan. Tình trạng ngâm tẩm ướp hô “biến” thực phẩm ôi thiu thành hàng sạch hay bơm nước vào thịt bò, thịt lợn, vào tôm, sử dụng chất tạo nạc bị cấm… trở thành việc “thường ngày ở huyện”. Nếu hỏi vì sao biết ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng mà những tiểu thương vẫn làm vậy, câu trả lời ngắn gọn: vì lợi nhuận!
Nhưng gốc của vấn đề như bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, đại biểu Quốc hội chỉ ra: vẫn là luật pháp chưa nghiêm. Mức phạt 3-10 triệu đồng cho cá nhân; 10-20 triệu đồng cho trang trại bị phát hiện hành vi sử dụng chất cấm là quá nhẹ nên bà Khanh kiến nghị cần truy tố hình sự chứ không thể chờ “đến lúc người ăn vào chết mới đến truy xuất xem người ta ăn cái gì”.
Dẫn lại câu chuyện nếu một đứa trẻ ăn phải quả chuối có ngâm thuốc diệt cỏ thì tính mạng sẽ ra sao, Bộ trưởng Cao Đức Phát kêu gọi: “Phải đấu tranh, không thể để một người đầu độc hàng triệu người, trong đó có những đứa trẻ”. Thế nhưng, đấu tranh thế nào, phải làm sao khi mà lần nào cũng vậy, sau mỗi lần “trống dong cờ mở”, người tiêu dùng vẫn phải sống trong sợ hãi cùng với những “độc dược”, chấp nhận tỷ lệ bị ung thư, mắc bệnh ngày một gia tăng. Đến mức, người ta phải e ngại, có xây bao nhiêu bệnh viện cũng thành không đủ?!