Cần động lực mới!

Cần động lực mới!
TP - Nhìn vào tổng thể những điều đạt được và cái chưa đạt được, tôi muốn đặt vấn đề: Liệu trong 5 năm tới, hoặc ngay trong năm 2016 Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn giai đoạn vừa qua? Liệu năm sau có cao hơn năm trước như kế hoạch đề ra?

Để làm được điều này, nói theo kiểu dân gian, ở trong Nam gọi là đứng “nhón gót lên”, còn miền Bắc gọi là “đứng kiễng chân”, có nghĩa là phải có một động lực mới cho sự phát triển. Mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước trong một thời gian dài “chết” quá nhiều, trong khi đó khối FDI lại tồn tại tốt. Nếu chúng ta duy trì tăng trưởng dựa vào khối FDI sẽ phát sinh mâu thuẫn trong nền kinh tế, bởi xét cho cùng, FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển lĩnh vực đó thì GDP tăng nhưng lợi ích quốc gia sẽ giảm, vì tổng nguồn vốn đưa vào bao giờ cũng thấp hơn tổng đưa ra và phân phối không đều. Bên cạnh đó, chúng ta còn đang vướng phải vấn đề chi ngân sách, nợ công thâm thủng. Nếu cứ chi tiêu ngân sách theo kiểu “giật gấu, vá vai” thì rõ ràng không thể có dư địa để kích tổng cầu cho giai đoạn sau.

Trước tình hình đó, từ năm 2016 trở đi, tôi đồng tình với mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%, nhưng để đạt được con số này cần phải có động lực mới. Vậy động lực mới là gì? Việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề ngân hàng đổ vỡ và giải quyết mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng, dù điều này không hề đơn giản. Bên cạnh đó, để kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tỷ lệ vay tín dụng phải bằng 3 lần tăng GDP. Về chính sách tài khóa, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp như các ĐBQH đã nêu, trong đó có cải cách hành chính. 

Tôi ủng hộ quan điểm phải tái cơ cấu lại nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công, trong đó kể cả việc phát hành trái phiếu. Ngoài ra cần giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Qua đó cần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đưa khoa học công nghệ vào.

Tôi đề nghị Quốc hội sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ và gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có luật này, chúng ta không thể chuyển được từ gia công sang sản xuất, và không giải quyết được bài toán tái cấu trúc. Cuối cùng, để giải quyết bài toán nợ xấu ngân hàng, tôi kiến nghị Quốc hội phải có Nghị quyết để giải quyết căn cơ vấn đề này.

ĐBQH Trần Du Lịch

MỚI - NÓNG