Sạch - bẩn đối đầu

Sạch - bẩn đối đầu
TP - Câu chuyện thực phẩm bẩn-sạch đang chứng minh một điều hiển nhiên trên thị trường: nếu thực phẩm bẩn, thực phẩm chưa sạch chiếm lĩnh trận địa thì cũng đồng nghĩa là thực phẩm sạch đang không có đất để tồn tại và phát triển.

Nhưng trong khi người dân rất lo lắng về chuyện an toàn thực phẩm, rất muốn được an tâm với miếng ăn miếng uống mà thực phẩm sạch, thực phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn khoa học vẫn không cạnh tranh được, vẫn  chật vật tìm chỗ đứng thì không thể coi đây là điều hiển nhiên, mà đó là một nghịch lý.

Nghịch lý ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân đầu tiên chính là thiếu vắng sự hỗ trợ của chính quyền, của cơ quan quản lý. Gia hạn một giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGap mất 70 triệu đồng trong khi đầu tư cao hơn, sản phẩm làm ra cũng vẫn phải bán như hàng thông thường thì tình yêu, đam mê với sản phẩm sạch của người nông dân nhanh chóng phôi phai trước yêu cầu phải tồn tại, phải sống. Đó là chưa kể để kích thích người nông dân tập trung làm thực phẩm sạch, rất cần nhà nước có chính sách thuế, chính sách đất đai và nhiều phương án hỗ trợ khác để đảm bảo họ làm ăn có lãi, mang lại sản phẩm tốt cho thị trường. Nhưng khi không được hỗ trợ, chắc chắn nông dân không còn mặn mà với thực phẩm sạch, và câu chuyện trồng hai loại rau trong vườn nhà, một loại sạch để ăn, loại kia để bán, sẽ còn tiếp diễn. Không những vậy, khi thực phẩm sạch ít có đất sống, nhiều nông dân từng sản xuất thực phẩm sạch vì lợi ích trước mắt đã sẵn sàng hạ cấp sản phẩm, đánh lận con đen, như đã từng xảy ra ở một số vùng trồng nông sản sạch phía Bắc, khiến niềm tin của người tiêu dùng với thực phẩm sạch mới nhen nhóm đã tắt ngấm. Khi chưa xây dựng được thương hiệu, xây dựng được niềm tin, khó có cơ sở sản xuất sạch nào có thể phát triển.

Tôi đã có dịp đi một vòng tham quan nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm hữu cơ (thực phẩm được nuôi trồng theo phương pháp hạn chế hoặc không dùng các chất hóa học). Có cơ sở sản xuất thịt heo sạch, cá sạch, có nơi làm rau sạch, có những công ty xây dựng chiến lược khá quy mô, bài bản. Ở những cơ sở này, khách đến tham quan cũng được kiểm soát nghiêm ngặt vì chủ nhân sợ khách mang mầm bệnh đến cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, điểm chung của các ông bà chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ là đều lo lắng về đầu ra, trong khi thói quen của người tiêu dùng chưa hình thành, niềm tin của xã hội vào các loại thực phẩm này chưa cao. Khi chính sách hỗ trợ chưa nhiều, chưa trúng, khi người dân chưa tin tưởng vào thực phẩm sạch và khi người làm thực phẩm sạch chưa thực sự có lãi, doanh nghiệp chưa thực sự sống được thì dư địa của thực phẩm bẩn vẫn còn rất lớn. 

MỚI - NÓNG