Tin cứ thế đồn. Đến cuối chợ, chuyện bà bị té ở hàng vịt thành chuyện bà ghiền tiết canh ăn sống hết cả đàn vịt. Hình như câu chuyện có nhiều dị bản này làm nên khái niệm “ tin vịt”.
Đó là thời truyền khẩu tin đồn. Ngày nay, tin đồn hay hoang tin đã có tốc độ internet. Mạng xã hội bùng nổ với hàng chục loại hình từ Blog, facebook đến Twitter, nên những chủ nhân của nó chỉ cần “tự sướng”, tự biên tự diễn một thông tin do mình nghĩ ra là có thể phủ mạng với hàng ngàn thậm chí hàng trăm ngàn lượt like (thích) mà người thích không cần có nghĩa vụ kiểm chứng.
Chuyện tin đồn chỉ tưởng câu chuyện làm quà, vô thưởng vô phạt cho vui, nhưng, không! Chuyện Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bày tỏ sự tức giận và có động thái cải tổ triệt để hoạt động của Văn phòng Phủ tổng thống sau hàng loạt tin đồn trên báo và mạng internet về cuộc sống riêng tư của vợ chồng ông và cách ông trả đũa để trừng phạt những người tung tin đồn.
Theo báo Pháp Le Figaro, ông Sarkozy lệnh cho các cố vấn không được đồn thổi thất thiệt về đời tư của ông với giới báo chí, kể cả lên tiếng bảo vệ ông. Ông nói thẳng: Mọi chuyện riêng của ông tự ông phải lo, người khác miễn can thiệp!
Chuyện của tổng thống Pháp đương nhiên không là cá biệt. Nhiều chính khách, nguyên thủ, những người nổi tiếng đã từng là nạn nhân của tin đồn. Tin đồn là một hiện tượng thường gặp trong đời sống xã hội ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ giai đoạn nào. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ thì tin đồn cũng theo đó phát triển theo tỷ lệ thuận. Chưa ai làm cuộc khảo sát, đo đếm sự tác động và tác hại của tin đồn, nhưng sự tác động tiêu cực của tin đồn là điều không thể phủ nhận.
Có một thực tế là, không ít người nhầm lẫn giữa tin đồn và dư luận xã hội, thậm chí họ dùng tin đồn như chức năng của dư luận xã hội để phán xét, đánh giá, và lấy đó làm cơ sở đương nhiên tin cậy cho những suy luận tiếp theo. Chính việc dùng cái không xác thực, thiếu kiểm chứng, tạo dư luận, dùng số đông cổ súy, họ đã khoác cái áo sự thật cho tin đồn một cách vừa hồn nhiên, vừa tinh vi.
Thực tế đã kiểm chứng hệ lụy và tác hại khôn lường của tin đồn. Vì tin đồn thất thiệt người dân phải tán gia bại sản vì sản phẩm bị tẩy chay. Vì tin đồn, doanh nghiệp, ngân hàng điêu đứng, phá sản, giải thể. Vì tin đồn nhiều lãnh đạo trầy vi trốc vảy lên xuống giải trình. Có lúc, có nơi, tin đồn gây nên những xung đột đẫm máu…
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (nếu là tổ chức vi phạm) và 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (nếu vi phạm là cá nhân). Mức phạt đó so với những hệ lụy của tin đồn gây ra, e rằng vẫn chưa đủ sức răn đe…