Lỗ phát sinh lớn
Theo báo cáo của Chính phủ năm 2014, tổng doanh thu của các TĐ, TCT đạt 1.572.050 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013. Còn các công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 852.212 tỷ đồng, tăng 8%. Mức doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở khối tập đoàn, trong đó TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt 381.359 tỷ đồng; TĐ Điện lực Việt Nam 209.241 tỷ đồng; TĐ Viễn thông Quân đội đạt 193.003 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, mặc dù doanh thu tăng trưởng 2% nhưng lợi nhuận trước thuế của các TĐ, TCT giảm 2%, đạt 175.569 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 16%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản năm 2014 là 6,3%.
Báo cáo cũng cho hay, năm 2014 lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 10 TĐ,TCT là 4.901 tỷ đồng (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con TĐ, TCT). Có 19 TĐ, TCT còn lỗ lũy kế là 24.451 tỷ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.891 tỷ đồng. Đứng đầu về số lỗ là Vinalines với lỗ phát sinh là 3.179 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 20.687 tỷ đồng. Tiếp đó, là TCT Lương thực miền Nam với lỗ phát sinh là 890 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 1.125 tỷ đồng. Đứng thứ ba là TCT 15 – Bộ Quốc phòng với số lỗ phát sinh là 508 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 569 tỷ đồng...
Một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh về nông sản do bị cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng khiến hoạt động của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong đó, so với năm 2013, TĐ Cao su Việt Nam doanh thu giảm 12%, lợi nhuận trước thuế giảm 42%; TCT Lương thực miền Bắc doanh thu giảm 5%, lợi nhuận trước thuế giảm 51%; TCT Lương thực miền Nam doanh thu giảm 7%; lỗ phát sinh 334 tỷ đồng...
Xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu
Đánh giá về kết quả hoạt động của một số TĐ, TCT, Chính phủ thẳng thắn cho rằng “hiệu quả chưa cao”. Có TĐ,TCT báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.
Cũng theo Chính phủ, cơ chế, chính sách về quản lý DNNN phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa được làm rõ nên việc đầu tư vốn cho các DNNN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích, có mức sinh lời thấp. Bên cạnh đó, cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên hiệu quả triển khai quy định về công khai, minh bạch chưa cao.
Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ cho biết sẽ tăng cường vai trò quản lý của chủ sở hữu đối với hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục và chấn chỉnh việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng, đủ quyền, trách nhiệm được giao trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc quyền hoặc được giao quản lý.