PGS.TS Thái Văn Nam - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) - cho biết, Việt Nam đã tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, nơi các quốc gia và tổ chức mua bán quyền ghi nhận khí nhà kính. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này.
Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua WB. |
Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.
“Việt Nam đang tích cực phát triển năng lượng xanh và bền vững, điều này được thể hiện thông qua nhiều biện pháp và dự án như sử dụng LNG kết hợp với việc chuyển nhượng tín chỉ carbon”, PGS.TS Thái Văn Nam nói.
Theo ông Nam, Việt Nam đã thực hiện một số cơ chế và chính sách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả và bền vững nhằm giảm phát thải và trung hòa carbon.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, phê duyệt đề án về những nhiệm vụ giải pháp triển khai kết quả hội nghị COP26, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030.
Theo PGS.TS Thái Văn Nam, Việt Nam đã thực hiện một số cơ chế và chính sách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả và bền vững. |
Đối với việc triển khai các hoạt động giảm phát thải trên phạm vi cả nước thực hiện cam kết tại hội nghị COP26, ngày 7/1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng phê duyệt trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), gồm mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính với gần 2.000 cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính có trách nhiệm báo cáo mức phát thải, lập và triển khai thực hiện kế hoạch giảm phát thải để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Trên cơ sở các quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các bộ ngành đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết tại COP26 với các chỉ tiêu rất cụ thể cho từng lĩnh vực.