Tín chỉ carbon đang là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều thời gian gần đây, các DN đặc biệt quan tâm. TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nước tính đến năm 2022.
Trồng lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải kỳ vọng giúp Việt Nam có thể thu được tiền từ bán tín chỉ carbon |
Để dần hiện thực hóa khí phát thải bằng 0, hiện nay các quốc gia sử dụng 2 công cụ chính là thị trường tín chỉ carbon và thuế carbon. EU mới đây thông báo sẽ áp dụng mức thuế quan carbon lên các sản phẩm nhập khẩu vào khối này bắt đầu từ năm 2026. Theo đó, những DN nước ngoài khi xuất khẩu phải có những sản phẩm xanh, hữu cơ hoặc tín chỉ carbon. Nếu không sẽ bị áp thuế carbon ở mức cao.
Theo ông Thế, Ấn Độ và Trung Quốc đang là 2 quốc gia bán nhiều tín chỉ carbon nhất. Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao cho Việt Nam, với giá trị dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050.
Vừa qua, DN của ông Thế cũng bán sản phẩm nấm dược liệu qua thị trường Mỹ và bất ngờ được phía Mỹ hỗ trợ thêm một khoản do sản phẩm có xuất xứ hữu cơ, nguồn gốc rõ ràng, đồng thời phía sàn thương mại điện tử Amazon cũng thưởng 5% giá trị bán, bởi sản phẩm thân thiện môi trường, giúp giảm phát thải.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam tiếp cận rất sớm với việc cung cấp tín chỉ carbon. Đã có thời gian ngành hợp tác với tổ chức quốc tế để thực hiện nhưng rất tiếc đến nay không thể tiếp tục.
Theo ông Đăng, phát thải chăn nuôi chiếm gần 20% phát thải của ngành nông nghiệp. Hiện nay giá thành các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cao hơn các nước khác nên rất khó cạnh tranh. Nếu hình thành được thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam sẽ có nguồn tài chính để đầu tư lại ngành, khắc phục được câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững.
Theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, vừa qua Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung bộ trong giai đoạn 2018 - 2024. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam. Giá trung bình WB mua là 5 USD/tín chỉ carbon, khá cao.