Việt Nam đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường LNG thế giới và đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón" -  PGS,TS. Thái Văn Nam cho hay.

Giải pháp quan trọng

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là thuật ngữ viết tắt của khí thiên nhiên hóa lỏng (khí thiên nhiên được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng thông qua cách thức hạ nhiệt độ xuống -2600F hoặc -1600C), loại nhiên liệu hóa thạch sạch, khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ.

Hiện tại, LNG được xem như “át chủ bài” của xu hướng năng lượng sạch trên thế giới. Việt Nam không đứng ngoài cuộc sau khi đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việt Nam đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón? ảnh 1

Chuyến tàu chở gần 70.000 tấn LNG cập kho cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hồi tháng 7/2023, do Tổng Công ty Khí Việt Nam đầu tư.

Dấu mốc đặc biệt về việc Việt Nam “hòa nhịp” LNG thế giới chính là chuyến tàu hồi tháng 7/2023 chở gần 70.000 tấn LNG cập kho cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - mã chứng khoán: GAS) đầu tư, tạo bước ngoặt lớn cho ngành năng lượng Việt.

Là chuyên gia về quản lý môi trường, độc chất và phát triển bền vững, PGS, TS. Thái Văn Nam - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết - hiện dân số thế giới đã vượt ngưỡng 8 tỷ người, điều này dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng cao. Thế giới đang ở mức báo động khi lượng phát thải khí carbon làm nóng hành tinh đã lên tới 36,8 tỷ tấn vào năm 2022. Để đạt được mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn biến đổi khí hậu quá mức, các nhà khoa học khẳng định phải khẩn cấp cắt giảm sâu lượng khí thải trong thời gian tới.

Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường sử dụng khí thiên nhiên và phát triển năng lượng tái tạo. Theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Mỹ và nhiều quốc gia khác đã tăng tốc chuyển đổi sang khí đốt LNG.

Tại Việt Nam, việc sản xuất và nhập khẩu LNG cũng được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Ông Nam cho rằng, với đặc tính xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường, LNG được xác định chính là giải pháp năng lượng tối ưu của Việt Nam trong thời điểm này. LNG sẽ giúp giảm áp lực lên các nguồn khí nội địa, đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm thiểu rủi ro an ninh năng lượng, cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón? ảnh 2

PGS.TS Thái Văn Nam - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM.

Quy hoạch điện VIII đã xác định, nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

“Với nhu cầu như vậy, Việt Nam hiện đang được kỳ vọng sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường LNG thế giới và đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón”, PGS, TS. Thái Văn Nam.

Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi khi ở trung tâm Đông Nam Á, với nhiều cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận tàu chở LNG, tiện lợi cho việc nhập khẩu và phân phối khí LNG, Việt Nam có thể trở thành trung tâm năng lượng LNG trong khu vực. Từ đó thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.

Cuộc chuyển đổi

Là doanh nghiệp chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, ông Phạm Văn Phong - Tổng giám đốc PV GAS cho biết, công ty đã đưa dự án Kho cảng LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào vận hành từ tháng 7/2023 và là đơn vị duy nhất hiện nay được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam.

“PV GAS đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng trung tâm LNG tại Thị Vải và chính thức triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp từ hôm nay (15/3) theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG, mang đến cho khách hàng lựa chọn đa dạng về sản phẩm, linh hoạt nguồn cung và chất lượng, giá cả cạnh tranh”, ông Phong nói.

Tổng Giám đốc PV GAS khẳng định, LNG với các ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, độ thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và nguồn cung đảm bảo là sản phẩm chủ đạo trong gói giải pháp năng lượng tối ưu của PV GAS dành cho thị trường. Cột mốc cung ứng LNG - nguồn nhiên liệu có mức phát thải thấp, phục vụ sản xuất công nghiệp, đánh dấu quan trọng trong hành trình năng lượng xanh của PV GAS, thể hiện trách nhiệm của PV GAS trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Trong tương lai, ông Phong cho biết, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 của kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. PV GAS cũng thiết lập các thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và cạnh tranh cho thị trường nội địa.

Việt Nam đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón? ảnh 3

Kho LNG Thị Vải của PV GAS.

Theo PGS,TS. Thái Văn Nam, với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, LNG đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể. Hiện nay trên thế giới, LNG được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp điện, sản xuất thép, kim loại… LNG cũng có thể được sử dụng trong các phương tiện giao thông, cũng như cung cấp năng lượng cho các khách sạn, nhà hàng và các khu du lịch…

Trong đó, điện khí LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ. Do đó, phát triển điện khí LNG bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững. Việc sử dụng khí LNG trong sản xuất điện không chỉ giúp giảm phát thải ra môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nhờ dễ dàng vận chuyển và sự đa dạng nguồn cung. Đây cũng là một giải pháp để các doanh nghiệp có thể giảm phát thải CO2 từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.

Hiện tại, Việt Nam đã bắt đầu sử dụng LNG như một phương tiện để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. LNG được xem là một phương tiện chuyển đổi năng lượng linh hoạt và sạch sẽ, giúp Việt Nam chuyển từ các nguồn nhiên liệu truyền thống sang nguồn năng lượng sạch hơn.

MỚI - NÓNG