Hiệp ước này vừa được hoàn tất tháng 7/2017 với các điều khoản cấm các nước thành viên không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo quy định của Hiệp ước, khi tham gia Hiệp ước này, các nước thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả.
Đến nay, Hiệp ước đã được 52 ký và sẽ có hiệu lực sau khi được 50 nước phê chuẩn. Việc sớm ký Hiệp ước đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hoà bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Cũng trong ngày 22/9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ.
Phiên Thảo luận năm nay mang chủ đề “Tập trung cho con người: Phấn đấu vì hoà bình và một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững” đã thu hút sự tham gia của hầu hết Lãnh đạo nhà nước và chính phủ của 193 quốc thành viên Liên hợp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề nổi cộm hiện nay đối với thế giới và Liên hợp quốc, những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề này.
Phó Thủ tướng nêu rõ việc duy trì hoà bình luôn là ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi các nước phải tăng cường hợp tác, cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc phải là trung tâm điều phối và gắn kết các nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, xây dựng một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực ngày một toàn diện với một cơ chế bảo đảm sự khách quan, công bằng và bình đẳng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng đối với trật tự và sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hoà bình cần được bảo đảm bằng luật pháp; kêu gọi tăng cường các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc để ngăn ngừa, giải quyết hoà bình các xung đột và tranh chấp.
Về Biển Đông, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.