Vì sao nhiều trường đại học thiếu hiệu trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
Các trường ĐH khuyết hiệu trưởng cần sớm hoàn thiện bộ máy quản lý để ổn định, phát triển. Ảnh chụp sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM trong một giờ thực hành khi chưa có dịch COVID-19
Các trường ĐH khuyết hiệu trưởng cần sớm hoàn thiện bộ máy quản lý để ổn định, phát triển. Ảnh chụp sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM trong một giờ thực hành khi chưa có dịch COVID-19
TP - Hàng loạt trường đại học từ Bắc vào Nam hiện vẫn bỏ trống ghế hiệu trưởng. Lãnh đạo các hội đồng trường dự kiến sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các vướng mắc hiện nay.

Bộ máy không hoàn chỉnh

Năm 2018, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM nghỉ hưu. Từ tháng 1/2019 đến nay, trường này không có hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng lần lượt được giao phụ trách trường. Từ tháng 4/2020 đến nay, ban giám hiệu trường này chỉ có quyền hiệu trưởng, không có phó hiệu trưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường đại học (ĐH) hiện chỉ có quyền hiệu trưởng, như Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Luật TPHCM, Hùng Vương TPHCM, Hoa Sen... Tháng 4 vừa qua, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có quyết nghị giao PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về điều này và đến nay Bộ GD&ĐT chưa công nhận ông Thịnh là hiệu trưởng. Một số trường ĐH chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định...

Ba trường lớn chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe ở hai đầu đất nước hiện đều khuyết hiệu trưởng. PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM, chính thức thôi làm hiệu trưởng, trở thành Chủ tịch Hội đồng trường từ tháng 7/2020. Từ đó đến nay, trường chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách.

Mới đây, trường bổ nhiệm thêm hai phó hiệu trưởng nhưng sau đó buộc phải rút lại quyết định vì chưa đúng quy trình. Hiện ban giám hiệu trường chỉ có một phó hiệu trưởng phụ trách.

Tương tự, tháng 3 vừa qua, PGS.TS Ngô Minh Xuân thôi chức Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để làm Chủ tịch Hội đồng trường; một phó hiệu trưởng được giao phụ trách trường, và trường chưa có hiệu trưởng. GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chính thức được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường từ tháng 10/2020; PGS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng, được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng.

“Giao quyền hiệu trưởng hay hiệu phó phụ trách chỉ là giải pháp tạm thời trong một thời gian ngắn. Nếu ghế hiệu trưởng trống cả năm trời thì phải được nhìn nhận đó là vấn đề nghiêm trọng”, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, trường ĐH không có hiệu trưởng giống như đoàn tàu thiếu thuyền trưởng; những người được giao phụ trách thay thế đều không chính danh nên chất lượng công việc chỉ ở mức độ vừa phải.

Còn nhiều vướng mắc

Theo ông Tùng, nguyên nhân của tình trạng “khoảng trống quyền lực” tại các trường ĐH kể trên xuất phát từ việc Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định, để bầu được hiệu trưởng, các trường phải kiện toàn được Hội đồng trường. Nhưng trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam, đây là tổ chức hoàn toàn mới nên từ trường đến cơ quan quản lý đều lúng túng.

Một nguyên nhân nữa được ông Tùng nêu ra là sự cứng nhắc trong thực hiện quy định về nhân sự của các cấp quản lý. Đáng lẽ, khi chưa tìm được người mới, người đương nhiệm vẫn phải được tiếp tục điều hành để tránh “đứt gãy quyền lực”, ảnh hưởng các hoạt động của trường, dẫn đến sự mất ổn định.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự (chuyên tư vấn pháp luật và dịch vụ giáo dục), cho rằng, một trường ĐH trong thời gian dài không có hiệu trưởng đồng nghĩa với việc chậm phát triển vì không có người chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào”, giảng viên và người lao động không yên tâm công tác, người giỏi có cơ hội sẽ ra đi tìm nơi ổn định hơn…

Bà Phụng nêu ra nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này. Thời gian đầu thực hiện những điểm mới của Luật Giáo dục ĐH 2018, các trường đều phải chú trọng kiện toàn hội đồng trường nên khi chọn vị trí hiệu trưởng thì nguồn bổ nhiệm bị thiếu hụt. Hơn nữa, một số quy định hiện hành còn vênh nhau nên cách hiểu và vận dụng pháp luật về giáo dục ĐH và các quy định có liên quan không thống nhất, như giữa Luật Giáo dục ĐH 2018 và Nghị định115 của Chính phủ.

Về chủ quan, theo bà Phụng, một số cơ quan quản lý trực tiếp chưa muốn buông quyền quản lý để các trường ĐH được tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH. Bà cho rằng, các trường này phải rất nỗ lực trong việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý để thực hiện đúng luật và thể hiện năng lực tự chủ của trường. Về phía Bộ GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số trường khuyết hiệu trưởng như nguồn nhân sự không có hoặc nhân sự được giới thiệu không đủ uy tín.

Bộ GD&ĐT nói rằng, giải quyết vấn đề này còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chủ quản các trường. Đối với vấn đề của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, tuần trước, Bộ GD&ĐT họp trực tuyến với trường. Bộ đang cho các Vụ, Cục liên quan tổng hợp ý kiến rà soát tổng thể hồ sơ, tuần này sẽ báo cáo thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đại học trước khi báo cáo Bộ trưởng.

Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ các trường bằng cách hướng dẫn các trường thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật. Theo thông tin mà phóng viên có được, vừa qua, Câu lạc bộ các chủ tịch hội đồng các trường ĐH họp lần đầu tiên và thống nhất sẽ có những kiến nghị cụ thể về khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét.

MỚI - NÓNG