Vì sao nhiều chợ ở TPHCM vừa mở lại đã đóng cửa?

0:00 / 0:00
0:00
Chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) khi chưa tạm ngừng hoạt động Ảnh: U.P
Chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) khi chưa tạm ngừng hoạt động Ảnh: U.P
TP - Vừa mở cửa trở lại được một thời gian ngắn, nhiều chợ truyền thống tại TPHCM phải tạm ngưng hoạt động do có ca mắc COVID-19. Trong khi đó, có những quy định không thể đáp ứng được khiến tiểu thương phải “bỏ chợ”.

Mô hình điểm cũng phải tạm ngưng hoạt động

Trưa 30 /7, tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), hàng rào bảo vệ đã chặn vùng rộng xung quanh. Khu chợ tấp nập giờ không một bóng người. Liếc mắt vào chợ, ông Bình (65 tuổi, ngụ đường Nguyễn Lâm, Q.10) buồn hiu nói: “Chợ mở lại chưa lâu thì nay phải tiếp tục ngưng hoạt động vì phát hiện một tiểu thương mắc COVID-19. Hiện cơ quan chức năng ra thông báo tìm người đến sạp hàng của trường hợp mắc COVID-19 này, liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe”. Trước đó, chợ bị tạm đóng vì có ca mắc COVID-19 vào ngày 27/6, đến ngày 17/7 chợ mở lại thì một tuần sau, ngày 22/7 phát hiện ca mắc COVID-19 là tiểu thương nên phải phong tỏa, tạm ngưng hoạt động. Được biết, khi hoạt động trở lại, chợ Nguyễn Tri Phương đã làm nghiêm ngặt khâu kiểm soát khách ra vào như quét mã QR khai báo y tế, điền thông tin phiếu đi chợ…; chỉ cho một số tiểu thương bán hàng thiết yếu ngồi giãn cách.

Chỉ 2 ngày sau, đến lượt chợ Bình Thới (Q.11) phải đóng cửa cũng với lý do tương tự. Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, ngày 24/7 đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tiểu thương và ghi nhận một số trường hợp cho kết quả dương tính. Do đó, Ban quản lý quyết định tiếp tục đóng cửa chợ để khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng dịch mà chưa biết thời điểm chính xác sẽ mở trở lại. Chợ Bình Thới được xem là mô hình điểm đầu tiên tại TPHCM thực hiện phát thẻ đi chợ và triển khai tổng đài đặt lịch tự động hẹn giờ cho người dân đến chợ giãn cách, an toàn. Cụ thể, chỉ tiểu thương các ngành hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá, trái cây hoạt động và chia ngày cho tiểu thương bán hàng luân phiên nhằm giãn cách bên trong. Ngoài ra, Ban quản lý cũng thiết lập các vách ngăn để hạn chế tiếp xúc giữa người mua và người bán, kiểm soát thông tin người đi chợ để dễ truy vết… Dù đã dùng nhiều biện pháp nhưng hiện tại, chợ vẫn đang đóng lần thứ 2 do COVID-19.

Thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, tính đến hiện tại, toàn thành phố có 32/237 chợ đang hoạt động. Số chợ tạm ngưng hoạt động gồm 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối. Một số chợ sau khi bị tạm ngưng đã được hoạt động trở lại như: Chợ Phú Thọ (quận 11), chợ An Đông (quận 5), chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Quy Đức, chợ Hưng Long (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Đáng chú ý, thành phố Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú không còn chợ nào hoạt động.

Tiểu thương vừa bán vừa run

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, các hướng dẫn, yêu cầu về mở chợ truyền thống hiện nay bất khả thi. Đơn cử với 3 yêu cầu của Bộ Công Thương thì các chợ có thể đáp ứng được 2 tiêu chuẩn về chọn mặt hàng thiết yếu để bán lại, thực hiện 5K..., nhưng tiêu chuẩn tiêm vắc-xin hết cho tiểu thương bán hàng lại không thuộc ý chí chủ quan của Ban quản lý chợ mà phụ thuộc vào thực tế phân bổ vắc-xin tại địa phương. Bài học từ chính các chợ truyền thống cho thấy, công tác khử khuẩn tốt, mở lại vẫn dính dịch. Do đó, không nên bố trí chợ dân sinh trong lồng chợ nữa vì đa số chợ dân sinh có lối đi hẹp, quầy này san sát quầy kia. Giãn cách 10 sạp hay 3 sạp được bán thì vẫn loay hoay trong không gian chật hẹp của chợ, người mua vẫn đụng nhau như thường, khó đáp ứng quy định 5K.

Mặc dù chợ đã đóng, nhưng đa số tiểu thương cho hay, vẫn có thể kinh doanh theo hình thức online, giao hàng tận nơi. “Thực sự khi mở cửa lại, chúng tôi đến buôn bán vẫn “run” vì tiếp xúc nhiều khách hàng, mình không biết ai có nguy cơ; bán hàng cả ngày cũng phải mở khẩu trang ăn uống... Nhưng nếu không đến bán thì sợ mất khách, mất chỗ. Trong khi với những mối quen, tôi vẫn có thể bán trực tuyến rất hiệu quả” - chị Tam, tiểu thương một chợ tại Q.Gò Vấp nói.

Trong khi đó, mãi lực ở các chợ mở lại không cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Ban quản lý chợ An Đông (Q.5) cho biết, để phòng dịch, khách đến chợ phải tuân thủ 5K và được phát phiếu để điền thông tin, trong đó ghi rõ đã tiếp xúc với tiểu thương, sạp hàng nào và nộp lại ở cổng ra của chợ. Từ ngày mở cửa lại (17/7), lượng khách đến chợ An Đông thưa thớt, một phần do không có nhiều hàng hoá, mặt khác xung quanh khu chợ này có nhiều siêu thị, điểm bán lưu động đồng giá nên thu hút người dân hơn.

MỚI - NÓNG