Vì sao nhiều bệnh viện ở Tây Nguyên không dám mua trang thiết bị y tế?

0:00 / 0:00
0:00
Đắk Lắk thiếu đồ bảo hộ, kit làm xét nghiệm để bóc tách F0, phòng chống COVID-19 Ảnh: N.Thảo
Đắk Lắk thiếu đồ bảo hộ, kit làm xét nghiệm để bóc tách F0, phòng chống COVID-19 Ảnh: N.Thảo
TP - Dịch COVID-19 quay trở lại với mức độ lây nhiễm cao đã đẩy nhiều cơ sở y tế Tây Nguyên vào cảnh thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng. Dù được cho chủ trương mua sắm mới nhưng nhiều đơn vị không dám mua.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk là địa phương phức tạp nhất về dịch COVID-19. Số ca mắc COVID-19 ở tỉnh này vượt mốc 5.000 (kể từ đầu đợt dịch thứ 4), trong đó, hơn một nửa số ca mới được ghi nhận trong vòng 1 tháng trở lại đây. Số lượng F0 lớn, địa phương này buộc phải nâng công suất điều trị từ hơn 1.700 giường bệnh (tại 5 cơ sở điều trị) lên khoảng 4.000-5.000 giường bệnh bằng việc kích hoạt thêm bệnh viện (BV) dã chiến và chuyển đổi một phần công năng tại các BV tuyến huyện làm khu điều trị F0.

Cơ sở điều trị đã có song vật tư, thiết bị y tế phục vụ cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 đang thiếu trầm trọng. Tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên (nơi đang điều trị F0 nặng-tầng 3) nhưng chỉ có 2 máy ECMO (tim phổi nhân tạo), 44 máy thở (trong đó chỉ có 9 máy thở chức năng cao), 30 máy HFNC (cung cấp khí thở lưu lượng cao), 3 máy lọc máu.

Vật tư tiêu hao như quả lọc Oxiris được cung cấp nhỏ giọt, phải thay bằng loại khác cũng không đủ theo yêu cầu, 1 số dụng cụ và vật tư tiêu hao để làm ECMO không thể mua được. Hiện tại, BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên được yêu cầu tăng công suất từ 90 giường lên 700 giường để điều trị cả bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình; hạn chế tối đa phải chuyển lên tầng điều trị thứ 3 (nguy cơ tử vong cao).

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 8/11, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) đề nghị xem lại thực trạng y tế cơ sở hiện nay. “Đây không phải lần đầu tiên nói về y tế cơ sở. Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ ba và chúng tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có một chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể 30% đó cũng không đáng kể gì nếu so với sự cần thiết và nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý”, bà Lan đề nghị.

Luân Dũng

Riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột, nơi đang dẫn đầu toàn tỉnh Đắk Lắk về số ca mắc COVID-19, trong 2 ngày triển khai xét nghiệm toàn dân ở 16 phường, xã đã bóc tách được 120 F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, để không bỏ sót F0, ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Y tế đề nghị: Mở rộng thêm địa bàn sàng lọc lên thành 21 phường, xã; cấp bộ xét nghiệm, phương tiện phòng hộ và vật tư y tế do đang thiếu rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, tỉnh đang thiếu 25 trang thiết bị thiết yếu điều trị F0 gồm: Bộ dụng cụ thở ô xy, máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, hệ thống ô xy dòng cao HFNC, máy lọc máu, máy X quang… cùng hàng nghìn đồ bảo hộ, khẩu trang N95.

Sở Y tế Đắk Lắk đã báo cáo UBND tỉnh này và Bộ Y tế đề nghị có biện pháp hỗ trợ; tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ.

Chọn phương án đi…xin

Chia sẻ lý do chọn phương án đi xin, hoặc mượn trang thiết bị thay vì mua sắm mới, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, rất muốn mua vì khi có thiết bị, ngoài phục vụ bệnh nhân COVID-19, còn có thể sử dụng cho công tác chuyên môn lâu dài. Tuy nhiên, việc mua sắm phải qua nhiều quy trình, nhiều vật tư, thiết bị khan hiếm, trong khi cứu người gấp như cứu hỏa. Bên cạnh đó, việc đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế hiện nay trở thành nhạy cảm, khi một số địa phương xảy ra lùm xùm, cán bộ bị điều tra, khởi tố đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai ở rất nhiều nơi.

Tại Gia Lai, dịch COVID-19 phức tạp không kém (hơn 2.200 ca bệnh từ tháng 4 đến nay) và dự báo sẽ có những diễn biến khó lường trong thời gian tới, vì công dân hồi hương từ các tỉnh phía Nam rất lớn.

Tỉnh này đang triển khai điều trị F0 tại 12 BV và Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 vùng (nơi điều trị F0 nặng cho 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum). Nếu ca bệnh tiếp tục gia tăng, tỉnh sẽ kích hoạt thêm các đơn vị điều trị khác, đồng nghĩa với việc cần thêm thiết bị y tế. Đây là vấn đề khá “đau đầu” của lãnh đạo địa phương khi nơi đây có tới 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện tại, ngành Y tế Gia Lai thiếu nhiều trang thiết bị y tế, nhất là thiết bị phục vụ hồi sức cấp cứu (máy thở HFNC, ECMO…). UBND tỉnh này đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ hơn 100.000 đồ bảo hộ, 350.000 khẩu trang y tế, 50.000 khẩu trang N95...

MỚI - NÓNG