Vì sao năng suất lao động người Việt thấp hơn Lào?

Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Lào vì chủ yếu gia công. Ảnh minh họa
Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Lào vì chủ yếu gia công. Ảnh minh họa
TPO - Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD), chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Vì sao có thực trạng này?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

“Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Nhưng mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực”, ông Lâm đánh giá.

Theo đó, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippin và bằng 87,4% NSLĐ của Lào.

Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Chênh lệch mức NSLĐ của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn và ngày càng chênh lệch so với Lào bởi người lao động Việt chỉ đảm nhận các công đoạn hoàn thiện theo mẫu. Lực lượng lao động Việt Nam đông nhưng chỉ gia công, không tạo ra sản phẩm có thương hiệu để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, Việt Nam vẫn coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế của nền kinh tế khiến rất khó nâng cao năng suất lao động.

Một trong những nguyên nhân khác khiến NSLĐ Việt Nam thấp như 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao.

“Về lâu dài, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đánh giá.

Theo Tổng cục Thống kê, một trong những giải pháp để nền kinh tế Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng GDP 6,5-6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8% là phải tăng năng suất lao động.

“Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Đồng thời nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó đề xuất thực hiện cụ thể vào một số lĩnh vực ở một số địa phương để Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp trên thế giới”, ông Lâm cho biết.

MỚI - NÓNG