Chuyển đổi mô hình tăng trưởng:

Tập trung tăng năng suất lao động

Công nhân Việt Nam lắp ráp linh kiện điện thoại trong một nhà máy. Ảnh: Ngọc Châu.
Công nhân Việt Nam lắp ráp linh kiện điện thoại trong một nhà máy. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, khi không còn lợi thế nhân công giá rẻ, thu hút vốn và xuất khẩu dễ dàng, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng kiến, đổi mới; nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân; khai thác thị trường nội địa…

Ngày 20/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, nhận định: “Việt Nam đang có một cơ hội lớn để xây dựng nền kinh tế hiện đại, hiệu quả. Để thành công, đất nước các bạn cần giải quyết thách thức về năng suất, đồng thời thúc đẩy lực lượng lao động giàu kỹ năng phát triển nhanh hơn”.

Theo ông Sitkoff, chương trình học của Việt Nam hiện lạc hậu, giáo viên lương thấp và sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng làm việc được ngay. “Nâng cấp kỹ năng của lực lượng lao động là rất quan trọng và chính phủ nên hành động quyết liệt hơn để hiện đại hóa và nâng cấp chương trình học quốc gia, đặc biệt là ở cấp đại học, cao đẳng và dạy nghề”. Ngoài ra, đã đến lúc phải đẩy nhanh việc thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo rằng các doanh nghiệp này được quản lý một cách minh bạch, trách nhiệm, có tính giải trình cao và doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. “Cũng đã đến lúc giải quyết tham nhũng bằng các hệ thống làm giảm cơ hội cho việc thanh toán phi pháp. Một bước đi lớn về phía trước sẽ là những hành động có tác dụng hạn chế đáng kể việc thanh toán bằng tiền mặt”, Giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội nhận định.

Theo ông Sitkoff, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề tham nhũng, tỷ lệ nợ xấu cao, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả… bằng cách tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ hội kinh doanh, chứ không phải hạn chế chúng. “Những tháng cuối năm 2016, các công ty và nhà đầu tư ở Việt Nam được hưởng mức độ ổn định cao mà nhiều nước khác trong khu vực phải ghen tị. Việc chuyển đổi lãnh đạo diễn ra êm thấm, tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát có thể kiểm soát được”, Giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội nói.

Xu hướng tăng trưởng quan trọng hơn con số

Mới đây, trong cuộc họp báo công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia 2016-2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cũng nói rằng, chính phủ cần hành động quyết liệt hơn để trao vai trò lớn hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục tăng năng suất lao động, khuyến khích tạo ra sản phẩm mới, hạn chế các tác động “bóp méo” của doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính non nớt do ngành ngân hàng thống trị…

“Tốc độ tăng trưởng trong một năm là quan trọng, nhưng xu hướng tăng trưởng quan trọng hơn các con số”; Việt Nam cần tập trung xác định các nhân tố thực sự cho phép hoặc khuyến khích xu hướng tăng trưởng cũng như các nhân tố ngăn cản tăng trưởng bền vững, ông Sidgwick nói với phóng viên. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm tái cân bằng mô hình tăng trưởng của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, như bớt coi trọng xuất khẩu, hướng tới tiêu thụ nội địa, cố gắng dẫn đầu thế giới hoặc khu vực trong một số ngành có thế mạnh. Hiện nay, dân số Việt Nam khoảng 94 triệu, số người giàu đang tăng lên; “đây là một thị trường lớn, nhu cầu nội địa đối với hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận xét.

Kể từ năm 1990, kinh tế Việt Nam tăng trưởng, chủ yếu nhờ mở rộng lực lượng lao động, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn trong nước. Nhưng sự chuyển đổi nhân khẩu học và giới hạn cuối cùng của huy động vốn khiến lợi thế lao động giá rẻ, thu hút vốn dễ dàng dần biến mất. Vì vậy, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào tăng năng suất lao động do sáng kiến, đổi mới đem lại. Tăng trưởng trong tương lai sẽ đến từ lực lượng lao động làm việc thông minh hơn, với chất lượng nguồn vốn cao hơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Kinh tế tư nhân phải lớn lên

Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được và chưa đạt được trong quá trình tái cơ cấu từ năm 2013 đến nay, đồng thời đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể.

Vấn đề tôi quan tâm là, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, chúng ta còn tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, bởi nợ công tăng nhanh, cơ cấu trong chi ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Đặc biệt hơn, đề án này cũng đề cập đến một vấn đề mà trước đây chưa có là làm sao nâng cao được tính tự chủ trong nền kinh tế, phải tập trung các giải pháp phát triển được các thành phần kinh tế tư nhân. Khi kinh tế nhà nước giảm dần thì kinh tế tư nhân phải lớn lên, nếu không chúng ta sẽ nhường lại phần đó cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là một nội dung mà tôi rất tâm đắc.

Trong đề án này cũng đề cập rất sâu đến phân bổ nguồn lực, điều này rất quan trọng, bởi khi tập trung nguồn lực vào các khu vực, lĩnh vực có tiềm năng sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế. Điều chúng ta cần tránh là đầu tư dàn trải mà trước đây đã vấp phải, dẫn đến đầu tư công lớn, nợ công tăng nhanh, kinh tế tăng trưởng chậm.

                Thành Nam (ghi)

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.